“Trường Sa ơi, mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/ Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển dẫu yên, lòng ta lay động” lời bài hát “Bâng khuâng Trường Sa” của nhạc sĩ Lê Đức Hùng phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cứ vang vọng mãi trong trái tim của những ai đã từng một lần - dù chỉ một lần thôi - được đặt chân đến mảnh đất thiêng của Tổ quốc - nơi biển khơi nghìn trùng sóng vỗ.
Xúc động, vinh dự và tự hào, đó là cảm xúc chung của kiều bào và các đại biểu khi đến với Trường Sa và nhà giàn DK1. Sau “hành trình của trái tim”, mỗi người con đất Việt càng ý thức trách nhiệm, góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở nơi ấy có những chàng trai tuổi đôi mươi đã hiến dâng cả trái tim tuổi trẻ cho Trường Sa thân yêu. Có những giọt mồ hôi và cả máu những anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống cho vùng biển thiêng liêng; nhưng họ- những người con của Mẹ Tổ quốc vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn kiên gan nơi đầu sóng ngọn gió.
Họ đã khiến chúng tôi thao thức khôn nguôi mỗi khi nhớ về Trường Sa!
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, con tàu kiểm ngư KN490 đưa đoàn công tác số 5 trong đó có 55 kiều bào tiêu biểu đến từ 18 quốc gia cùng đại biểu của một số bộ ngành, địa phương đi thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/20.
Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh mà còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Mỗi điểm đảo đoàn ghé thăm, các đại biểu xúc động, tự hào được tận mắt chứng kiến và cảm nhận ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sạm nắng của các chiến sĩ.
Cuộc sống ở Trường Sa không chỉ có nắng, gió và sóng biển mà còn có sự hiện diện của những công dân nhí với bài hát nằm lòng “Quê em ở Trường Sa”.
Dẫu thời tiết khắc nghiệt, khó khăn gian khổ không làm chùn bước các chiến sĩ nơi đây, trên gương mặt của các chiến sĩ trẻ vẫn hiển hiện sự vô tư, hồn nhiên.
Tại hai đảo Sơn Ca và Trường Sa, đoàn đã dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ. Thiêng liêng và xúc động khi được hát quốc ca bên cột mốc chủ quyền nơi đảo xa.