Tình trạng gia tăng dân số cơ học tại một số quận, huyện và TP Thủ Đức đang tạo thêm áp lực cho TPHCM trên nhiều phương diện. Trong đó, ngoài vấn nạn kẹt xe nội đô, thiếu các cơ sở trường học, y tế cần thiết cấp phường xã, thị trấn, các gia đình cũng chịu áp lực lớn về điều kiện làm việc, thu nhập, chi tiêu, nhà ở…
“Gánh nặng” đếntừng nhà
Anh Trần Đăng Ninh (35 tuổi, quê Trực Ninh, Nam Định) định cư tại TPHCM từ 2013 đến nay chỉ làm lái xe container, trong khi vợ anh (cùng quê) làm giáo viên một trường tiểu học gần nhà. Cuộc sống khá êm ả cho đến thời điểm 2020 cả hai vợ chồng anh đều phải tạm nghỉ công việc do giãn cách xã hội, trong khi hai con nhỏ cũng phải nghỉ ở nhà để chống dịch Covid-19.
“Từ tháng 10 năm 2021 khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, chỉ có vợ tôi trở lại trường học, còn tôi vẫn chưa thể kiếm được nơi làm việc mới dù cho bằng lái xe hạng FC, ngoài container có thể lái xe đầu kéo, sơ mi rơ mooc. Khó khăn chồng chất khó khăn” - anh Ninh chia sẻ.
Cũng như gia đình anh Ninh, chị Trịnh Thị Đóa (43 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức) sống cùng chồng và 4 con nhỏ, vẫn thất nghiệp từ đầu năm đến nay. Ngoài được địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo từ đợt dịch, chị Đóa vẫn đang rất khó khăn do chưa tìm được việc làm. Chồng chị đã nghỉ mất sức lao động nên cũng không hỗ trợ được nhiều cho chi tiêu hàng tháng. Cực chẳng đã, chị Đóa phải dắt díu con cái làm thêm nghề bán vé số tại khu vực chợ Cây Xoài để lấy tiền chi tiêu.
Các áp lực đến với nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo, công nhân, người có thu nhập thấp tại TPHCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng gia tăng dân số cơ học trong vài năm gần đây.
Tại tọa đàm với chủ đề “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” mới đây, TS Trương Thị Minh Sâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho biết, dù dự báo dân số TPHCM đến năm 2025 đạt khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng khoảng 2,5 triệu người, thế nhưng quy mô dân số này đã bị “phá vỡ” từ cách đây 2 năm (2020).
“Nếu theo dõi kết quả điều tra dân số trong 5 năm gần nhất chúng ta sẽ thấy quá trình tăng dân số cơ học của TPHCM diễn ra rất nóng. Nếu 2019 dân số thành phố mới gần chạm mốc 9 triệu người nhưng một năm sau đó đã đạt con số 9,2 triệu người và hiện nay đã là 10 triệu người. Nếu tính cả dân nhập cư thì đã là 13 triệu người. Rõ ràng là một quá trình tăng dân số cơ học quá nhanh, dự báo những hệ lụy về nhiều mặt”, bà Sâm cho biết.
Khó trông chờ ngân sách
Để cải thiện chất lượng an sinh xã hội cho gia tăng dân số cơ học trên địa bàn, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố được cơ chế tăng thêm 2 biên chế với đơn vị hành chính cấp phường có dưới 30.000 dân. Đồng thời, cứ thêm mỗi 15.000 dân thì được bổ sung 1 công chức để đảm bảo cán bộ địa phương không bị quá tải.
Quá trình tăng dân số nhanh dẫn đến áp lực trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, thế nhưng khó có thể trông chờ nhiều từ nguồn ngân sách, vốn đã được phân bổ cho nhiều hạng mục ưu tiên về hạ tầng đô thị, công trình chống ngập, các dự án công,…TS Trương Thị Minh Sâm hiến kế, TPHCM nên huy động các nguồn xã hội hóa để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cấp bách do gia tăng dân số cơ học, như nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động nhập cư từ các tỉnh, hệ thống trường học và cơ sở y tế cho tuyến phường, xã, thị trấn.
Còn theo ông Lê Văn Thinh - nguyên Bí thư Quận ủy Bình Tân, vào thời điểm giãn cách xã hội hệ thống chính quyền quận rất vất vả do dân số quá đông. Trong đó, mỗi đơn vị cấp phường trung bình phải chăm lo cho khoảng 80.000 dân mà chỉ có tối đa có 36 cán bộ. Do đó, khối lượng công việc chồng chất, nhiều nơi làm cả thứ bảy, chủ nhật nhưng không xuể.
Để tháo gỡ áp lực rất lớn do tăng dân số cơ học, TS Thái Thị Tuyết Dung (trường ĐH Kinh tế Luật -ĐHQG TPHCM) cho rằng, thay vì trông chờ từ ngân sách, các quận, huyện và TP Thủ Đức cần xin trước cơ chế được quyền chủ động trong huy động xã hội hóa. “Thay vì xin cơ chế giải quyết những vấn đề riêng lẻ, trao quyền nhỏ giọt, TPHCM cần được trao quyền chủ động hoàn toàn trong ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa” - chuyên gia này đề nghị.
Th.s xã hội học Nguyễn Công Hoài Lương trong nghiên cứu về gia tăng dân số tại TPHCM, đã chỉ ra mức độ tăng dân số bình quân khoảng 1 triệu người mỗi 5 năm đã kéo theo các áp lực trực tiếp đến các gánh nặng xã hội, nhất là các gia đình chịu thêm “gánh nặng” về điều kiện làm việc, thu nhập, chi tiêu, nhà ở. Trong số các quận, huyện, chuyên gia này cũng chỉ ra các quận Bình Tân, quận 12 và huyện Hóc Môn đang là những nơi ghi nhận sự gia tăng dân số cơ học nhanh, hệ quả thấy rõ là cơ sở vật chất không đủ đảm bảo nhu cầu của học sinh, nhất là tỷ lệ học sinh tiểu học tham gia học 2 buổi/ngày ngày càng thấp.