Áp lực tăng giá cuối năm

H.Hương 09/11/2021 06:49

Trong những ngày gần đây, giá các mặt hàng liên quan đến vật liệu xây dựng tăng nhanh. Trong đó có mặt hàng thép, xi măng.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chỉ riêng tháng 10, nhiều doanh nghiệp (DN) thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán.

Tương tự DN xi măng cũng tăng mạnh, trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn. Nguyên nhân là do giá than trong nước tăng bình quân từ 7% - 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò cũng tăng giá hơn 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng đều tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40% - 45% giá thành sản xuất xi măng.

Cụ thể Công ty Xi măng Hà Tiên 1 thông báo tăng 80.000 đồng/tấn xi măng Vicem Hà Tiên cho chủng loại bao 50 kg trên tất cả tỉnh, thành cả nước kể từ ngày 1/11. Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai tăng 50.000 đồng một tấn đối với tất cả chủng loại xi măng.

Lý giải cho việc tăng giá bất khả kháng này, đại diện các công ty xi măng cho biết: Hiện giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt là nguồn cung than đá khan hiếm, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Mặc dù ngành xi măng đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm trong sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, hiện không chỉ các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá.

Trong khi đó, giá nhiều loại hàng hóa ở ngoài thị trường cũng leo thang như giá rau củ quả, giá dầu ăn... Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bộ phận kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op cho rằng xu hướng tăng giá là tất yếu vì tất cả chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng vọt thời gian qua. Mặt hàng rau củ, trái cây cũng đang tăng giá do đang vào mùa nghịch, sản lượng thấp và tỉ lệ hao hụt cao.

Trong khi đó TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá dầu và giá kim loại tăng phi mã trong thời gian qua sẽ là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo dự báo, giá xăng dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới chưa thể giảm nhanh được, thậm chí giá thế giới có thể tạo một mặt bằng giá mới cao hơn sau đại dịch Covid-19. “Việt Nam cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn. Lạm phát gần đây thấp chủ yếu do cầu tiêu dùng thấp”- ông Thắng nói.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường nhiều bất lợi, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực tăng giá cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO