Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học, những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ gia tăng khi khủng hoảng khí hậu tiếp tục mạnh lên và chúng sẽ tàn phá những quốc gia và khu vực chưa có sự chuẩn bị để đối phó.
Gia tăng nắng nóng kỷ lục
Các nhà khoa học đã phân tích bộ dữ liệu nhiệt độ kéo dài hơn 60 năm, cũng như các mô hình khí hậu, để tính toán khả năng xảy ra các đợt nắng nóng cực đoan chưa từng có và nơi những điều này có thể xảy ra.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố hôm 26/4 Afghanistan, Papua New Guinea và Trung Mỹ - bao gồm Guatemala, Honduras và Nicaragua - là “điểm nóng” đối với các đợt nắng nóng có nguy cơ cao. Những khu vực này đặc biệt dễ bị tổn thương do dân số tăng nhanh và khả năng tiếp cận hạn chế với các nguồn cung cấp năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Ông Dann Mitchell - Giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Bristol của Vương quốc Anh, là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Có bằng chứng cho thấy những khu vực trên có thể phải đối mặt với một đợt nắng nóng lớn và họ sẽ không kịp chuẩn bị để đối phó với nó”. Trong đó, mối đe dọa thời tiết mà Afghanistan phải đối mặt là đặc biệt nghiêm trọng. Đất nước này không chỉ có khả năng cao xảy ra tình trạng nắng nóng kỷ lục mà các tác động sẽ còn gia tăng do những khó khăn to lớn mà họ đang phải đối mặt.
Theo báo cáo, Afghanistan đang phải vật lộn với các vấn đề xã hội và kinh tế nghiêm trọng. Khi dân số ngày càng tăng, họ sẽ phải đối mặt với các vấn đề như nguồn lực hạn chế.
“Khi một đợt nắng nóng cực đoan xuất hiện, thì ngay lập tức sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra” - ông Mitchell nói và khẳng định, sóng nhiệt có tác động tiêu cực trên diện rộng. Chúng làm giảm chất lượng không khí, làm trầm trọng hơn nguy cơ hạn hán, cháy rừng và có thể tàn phá cơ sở hạ tầng. Chúng cũng gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe con người và nhiệt độ cực cao là một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất.
Say nắng hoặc kiệt sức vì nóng có thể gây ra một loạt các triệu chứng nguy hiểm, bao gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và bất tỉnh, và nhiều triệu chứng khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt, khiến nhiệt độ cơ thể tăng vọt chỉ trong vài phút và có thể dẫn đến thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Một số khu vực đã chứng kiến nhiệt độ chưa từng có trong năm nay. Vào tháng 3, nhiều vùng của Argentina phải vật lộn với mức nhiệt độ cao hơn bình thường lên tới 10 độ C, trong khi các kỷ lục về nhiệt độ cao đã bị phá vỡ trên nhiều vùng rộng lớn của châu Á vào tháng 4.
Ông Friederike Otto - nhà khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu Grantham tại Đại học Hoàng gia London cho biết: “Các đợt nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác sẽ trở nên khốc liệt hơn khi thế giới tiếp tục đốt cháy nhiên liệu hóa thạch”.
Không có nơi nào trên thế giới là an toàn trong thời tiết nắng nóng. Những đợt nắng nóng nằm ngoài chuẩn mực lịch sử đã xảy ra từ năm 1959 đến năm 2021 ở khoảng 30% khu vực được đánh giá. Chúng bao gồm đợt nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2021 - nơi các kỷ lục nhiệt độ cao bị phá vỡ hoàn toàn, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Ở làng Lytton, British Columbia, nhiệt độ đạt đỉnh gần 50 độ C vào tháng 6/2021, phá kỷ lục trước đó gần 5 độ C. Ngôi làng đã bị thiêu trụi bởi một trận cháy rừng chỉ vài ngày sau đó.
Các nhà khoa học khẳng định, nếu không có biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết nắng nóng kỷ lục sẽ không thể xảy ra.
Giảm thiểu hậu quả
Theo báo cáo, các khu vực của Trung Quốc, trong đó có Thủ đô Bắc Kinh cùng các nước châu Âu, như Đức và Bỉ, cũng phải đối mặt với rủi ro cao. Hàng triệu người sống ở những khu vực đông dân cư này có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi sóng nhiệt.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới chuẩn bị cho các hiện tượng nắng nóng kỷ lục, chẳng hạn như thiết lập các trung tâm làm mát và giảm số giờ cho những người làm việc ngoài trời.
Ông Otto cho biết, có nhiều chính sách mà các chính phủ có thể thực hiện để bảo vệ tính mạng cho người dân như: Chuẩn bị các kế hoạch quản lý sóng nhiệt, đảm bảo và thử nghiệm chúng được thực hiện, thông báo cho công chúng về các đợt nắng nóng sắp xảy ra và bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước tác động của sóng nhiệt.
GS David Karoly thuộc ĐH Melbourne (Ausstralia) kêu gọi mọi người ở trong những khu vực đang gặp nắng nóng nên uống nhiều nước, tận dụng điều hòa nhiệt độ, không ra ngoài vào giữa ngày khi nhiệt độ lên cao nhất để tránh bị sốc nhiệt nguy hiểm.
Chuyên gia Karoly khuyến nghị, các chính phủ cần suy nghĩ và hành động nhằm thích ứng với tình trạng nắng nóng bằng cách cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ hơn trong môi trường đô thị, chẳng hạn như tăng số lượng cây cối và thảm thực vật.
Theo vị này: “Điều cực kỳ quan trọng là các nước phát triển phải đi đầu trong hành động đối phó với biến đổi khí hậu”, nên hỗ trợ tài chính bổ sung cho các nước đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu. GS Karoly nhấn mạnh đây là việc cấp thiết phải làm ngay.
Ông Lucas Vargas Zeppetello - một nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, chỉ ra rằng, mức nhiệt nguy hiểm sẽ tăng ít nhất gấp 3 lần trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ này, đồng thời cho biết, các sự kiện thời tiết nắng nóng kỷ lục ngày càng có nhiều khả năng xảy ra khi thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch.
“Trên lý thuyết, chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra nếu một lượng lớn dân số phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nhiệt độ và độ ẩm chưa từng có. Đây thực sự là một mối lo trong tương lai” - ông Lucas bày tỏ.
Theo Giáo sư Karoly, cho đến khi chúng ta có thể giải quyết đầy đủ các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn sẽ phải hứng chịu những đợt nhiệt độ khắc nghiệt này thường xuyên hơn.