Áp lực với môn thi thứ tư

Lâm An 10/11/2023 07:29

Học sinh, phụ huynh và giáo viên bày tỏ mong muốn ngành giáo dục Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển vào lớp 10.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT 2022-2023 ở Hà Nội. Ảnh: Hàn Minh.

Kể từ năm 2019 khi Hà Nội tổ chức thi tuyển 4 môn thay vì 3 môn để tuyển sinh lớp 10, kỳ thi vốn đã căng thẳng càng thêm áp lực, bồn chồn vì thầy, trò, phụ huynh phải chờ đợi thành phố công bố có thi môn thứ tư hay không, nếu có là môn gì.

Mong bớt áp lực

Với số học sinh tăng thêm hơn 5.700 em, cuộc đua vào lớp 10 THPT năm nay tại Hà Nội dự kiến không kém phần căng thẳng so với những mùa tuyển sinh trước. Mặc dù năm nay dự kiến tăng thêm 2 cơ sở công lập, lên 121 trường, song với chỉ tiêu 60% học sinh vào trường công lập hằng năm mà thành phố đặt ra, sẽ có hàng nghìn học sinh phải chọn hướng đi khác sau cấp THCS. Hiện đã gần qua nửa học kỳ 1, nhiều học sinh lớp 9 đang đối mặt với lịch học dày đặc để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế cho hành trình chuyển cấp đầy khó khăn này.

Trần Đức Thắng, học sinh lớp 9 trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng cho biết ngoài 3 môn bắt buộc chắc chắn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ em đã ôn tập từ năm lớp 8, đầu năm học này, em học thêm Vật lý và Hóa học. Thắng hi vọng môn thi thứ tư sẽ được bỏ vì theo em, việc học để đối phó với kỳ thi khó mang lại hiệu quả lâu bền. Thắng cho rằng môn thi thứ tư nếu có nên để học sinh tự chọn, em nào thích môn nào thi môn đó, phù hợp với sự lựa chọn khi vào cấp 3 theo định hướng nghề nghiệp.

Là phụ huynh có con chuẩn bị tốt nghiệp THCS, chị Phan Mai Trang ở huyện Thanh Trì cho rằng những năm trước phụ huynh đồng loạt có ý kiến nên tổ chức thi 3 môn. Năm nay, ngay sau khai giảng năm học, trên nhiều diễn đàn, phụ huynh cũng bàn về chuyện này và phần đông đều ủng hộ quan điểm bỏ môn thi thứ tư. “Việc có thêm một môn thi nữa cũng không giúp tăng chất lượng đầu vào của thí sinh, không khiến các em giỏi hơn vì phần lớn môn thi thứ 4 do được thông báo muộn nên lúc đó học sinh mới học nhồi nhét, giáo viên dạy cấp tập” – chị Trang nói.

Vì quyền lợi của học sinh

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) cho biết dù thi theo phương án nào thì điều cô mong mỏi nhất là cơ quan chức năng sớm công bố phương án để giảm bớt áp lực cho học sinh. “Học sinh được giải tỏa tâm lý căng thẳng, việc học sẽ nhẹ nhàng hơn, đem lại hứng khởi cho cả thầy và trò, hiệu quả cao hơn” – cô Thủy chia sẻ.

Hiện TP Hà Nội đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024. Tuy nhiên, ngoài phương án thi tuyển vẫn tiếp tục được duy trì, thông tin thi tuyển 3 hay 4 môn chưa có.

Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường THPT.

Bên cạnh đó, Sở đang đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh lớp 10 tại các quận và một số huyện giáp ranh khu vực nội thành. Việc này nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong bối cảnh số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng nhanh. Cụ thể, đề xuất tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Phương án này nếu được thông qua sẽ giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội nhưng chắc chắn lại phát sinh các lo ngại liên quan chất lượng đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực với môn thi thứ tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO