Gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình với Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, đến bây giờ chị Lò Thị Tím, Đội 19, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho rằng, quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn khi chọn công việc nhân văn này.
Cũng giống như biết bao bà mẹ đặc biệt khác đang làm việc tại Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, lý tưởng của chị Tím thật giản dị, cao cả, luôn mang đến cho những trẻ em thiệt thòi một mái ấm gia đình thực sự, không để các con sống mồ côi thêm một lần nữa.
Sinh ra ở bản Na Ka, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay (Điện Biên), chị Tím cũng là trẻ mồ côi khi còn nhỏ. Hơn ai hết, chị Lò Thị Tím thấu hiểu cảnh thiếu cha, vắng mẹ. Năm 2009, chị tự nguyện làm đơn xin vào làm tại Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ. Sau 3 vòng phỏng vấn thi tuyển, chị chính thức trở thành một trong những bà mẹ đặc biệt tại nơi đây.
Tuy nhiên, điều khiến chị băn khoăn, lo lắng là bản thân chưa lập gia đình riêng, cũng chưa từng có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, nên chị đã cố gắng học hỏi, tìm hiểu tâm lý của các con. Sau khi nhận công việc này, chị đã tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 10 trẻ cùng lúc, nên khó khăn gấp bội lần.
Chị Tím cho biết: “Các con khi được đón về với tôi, chúng còn rất nhỏ. Bọn trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau trên địa bàn tỉnh Điện Biện, nhiều dân tộc, nên phong tục, tập quán cũng khác nhau, bất đồng ngôn ngữ. Việc cố gắng hòa nhập và cùng chung một tiếng nói không hề đơn giản. Rồi việc rèn luyện cho các con theo một nếp sống mới, hòa đồng với các anh, chị, em trong Làng trẻ cũng không hề dễ dàng”.
Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa theo mô hình dựa trên 4 nguyên tắc sư phạm của tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế (trẻ em, cha mẹ, gia đình, cộng đồng) và 9 bảo đảm chăm sóc.
Lần đầu tiên được làm mẹ của những đứa trẻ, với chị Tím không hề đơn giản. Chị và các mẹ, các dì khác ở đây chưa có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc trẻ nhỏ. Do đó, dẫn đến việc bất đồng quan điểm, bọn trẻ thì tranh cãi, bắt nạt nhau và nảy sinh những tranh chấp khiến cho chị cảm thấy chán nản.
“Nhiều lúc các con bị sốt, bị bệnh sởi, đứa này lây sang đứa kia, một mình tôi chăm sóc các con, tôi thực sự mệt mỏi. Mỗi đứa một tính cách, khiến mình cảm thấy áp lực và có đôi chút thất vọng trong những ngày đầu tiên làm mẹ…”, chị Tím tâm sự.
Thời gian trôi qua. Tuổi thanh xuân của chị gắn bó với Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, với mái ấm ngôi nhà và những đứa trẻ đã khiến chị cảm thấy an vui với thiên chức: Làm mẹ - tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả.
Theo chị Tím, dẫu không mang nặng đẻ đau, không cùng huyết thống, nhưng qua năm tháng chăm sóc, dưỡng dục, chứng kiến các con khôn lớn, trưởng thành, chị thật hạnh phúc vì đã gắn kết những mảnh đời, những số phận không may mắn lại với nhau, tạo thành một gia đình đầm ấm. Hiện tại, chị đang nuôi dưỡng 16 con ở độ tuổi từ 7 - 15 và mong muốn sau này các con sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Chị Tím và đồng nghiệp trong Làng luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục các con để chúng phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong năm học vừa qua, gia đình chị có 1 con đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán, 3 con đạt học sinh giỏi cấp huyện, các con còn lại đều đạt học sinh khá, giỏi cấp trường. Các con chị đều được tham gia học tập đầy đủ ở các cấp học và được hưởng các chế độ, quyền lợi như các trẻ bên ngoài Làng. Tất cả các con đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh, hòa đồng và học giỏi.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ theo đúng quy định của tổ chức SOS, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, chị Tím thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng, tìm hiểu về tâm lý con trẻ qua sách báo, truyền hình để từ đó tìm ra phương pháp nuôi dạy các con sao cho phù hợp với từng lứa tuổi. Đặc biệt, đối với các con lớn trong gia đình, chị Tím thường xuyên kết hợp với các nhân viên giáo dục tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện về tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì và định hướng học tập, cũng như định hướng nghề nghiệp.
Qua các buổi tập huấn về quyền trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chống đuối nước; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng mềm, về bình đẳng giới cho các con... chị Tím đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm. Sau những giờ tập huấn, chị Tím lại cùng các con tham gia công việc gia đình như chăm sóc vườn cây, bồn hoa, trồng rau xanh, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường của Làng ngày một xanh - sạch - đẹp. Qua đó, đã rèn luyện đức tính cần cù, siêng năng, yêu lao động, biết quý trọng sản phẩm lao động do chính mình làm ra cho các con.
Bên cạnh đó, chị Tím còn luôn thực hiện tốt chế độ vệ sinh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường sống, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh. 100% các con trong gia đình đều đảm bảo được ăn no mặc ấm, phát triển bình thường về thể chất, đảm bảo sức khỏe học tập, vui chơi và sinh hoạt. 100% các con có thẻ bảo hiểm y tế, phát triển tốt, đủ về chiều cao, cân nặng, không có trẻ bị mắc bệnh còi xương hay suy dinh dưỡng.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, chị Tím đã cùng cán bộ, công nhân viên, các mẹ, các dì của Làng mang đến cho các con một mái ấm yêu thương đúng nghĩa. Các con được lớn lên trong môi trường gia đình ổn định, an toàn, đầy tình nhân ái, được hỗ trợ cho đến khi tự lập và trưởng thành.
Hy sinh tuổi xuân, dành trọn vẹn tình yêu vô bờ bến cho con trẻ, chị Tím cũng như 14 mẹ trong Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ đang ươm mầm, nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết cho những đứa trẻ mồ côi, sống tràn đầy hoài bão, lý tưởng, vững bước vào đời bằng chính sức lực của mình để trở thành những người công dân có ích cho xã hội.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong 5 năm qua (2015 - 2020), chị được Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ đánh giá xếp loại 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 5 năm liền đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên tặng giấy khen; được Công đoàn cơ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận là “Đoàn viên công đoàn xuất sắc” và được tặng Giấy khen. Năm 2019, chị được tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ được xây dựng, đi vào hoạt động từ tháng 9/2009 và chính thức khánh thành vào ngày 17/12/2009 với quy mô 14 ngôi nhà. Sau hơn 10 năm hoạt động, hiện nay Làng có tổng số 42 cán bộ, nhân viên và các mẹ, các dì. Số trẻ hiện đang được nuôi dưỡng tại Làng là 185 trẻ.