Bà Rịa-Vũng Tàu: Lộn xộn bất động sản - Bài 3: Chặn việc tùy tiện tách thửa đất nông nghiệp

NGUYÊN VŨ (thực hiện) 26/03/2022 09:56

Tại 2 số báo 83 và 84/2022, chúng tôi đã phản ánh một số bất cập về đất đai tại huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đó là việc tại một số địa phương người dân làm đường trên đất nông nghiệp, rồi phân lô bán nền, đẩy giá lên quá cao tạo ra những cơn sốt đất ảo. Ngược lại, nhiều người dân có nhu cầu tách thửa nhưng lại bị cơ quan chức năng trả lại, gây khó. Số báo này, chúng tôi giới thiệu ý kiến từ góc độ pháp lý nhằm góp phần giải quyết những bất cập hiện nay.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung.

Thời gian gần đây, từ thửa đất lớn nông nghiệp, các cá nhân tự mở đường giao thông, rồi xin chủ trương tách thửa thành diện tích 500m2, 1.000m2 xuất hiện nhiều tại các địa phương. Những khu đất này vẫn được người dân, nhà đầu tư mua trong khi không thuộc quy hoạch đất ở, mà là đất nông nghiệp. PGS.TS Doãn Hồng Nhung- giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

PV: Thưa PGS, hiện nay, việc tách thửa đất nông nghiệp từ thửa lớn thành diện tích 500 m2, 1.000 m2 rồi bán cho người dân khá phổ biến tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng. Quan điểm của bà về vấn đề này?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp của những người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất tại địa phương phù hợp với chính sách tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa để phục vụ cho mục tiêu “Cánh đồng mẫu lớn”, đưa Công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn thời hiện đại. Nhưng nếu đối tượng chuyển nhượng không phải là người dân địa phương, mà là các đối tượng ở các thị trấn, đô thị tỏa ra các vùng ven đô đầu cơ, đón đầu quy hoạch, thì sẽ làm cho giá đất và giao dịch tăng lên bất thường.

Tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Theo bà, chính quyền địa phương cần làm gì để kiểm soát nạn làm đường giao thông trên đất nông nghiệp để tách thửa, phân lô?

- Sở Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, để hướng dẫn việc hình thành đường giao thông trước khi thực hiện thủ tục tách thửa. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các vấn đề có liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp biết rõ quy trình, cơ quan giải quyết việc hình thành đường giao thông, đảm bảo minh bạch, công khai.

Cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để cảnh báo cho người dân khi giao dịch mua bán các thửa đất quy hoạch nông nghiệp, trồng cây hằng năm?

- UBND các địa phương cần có những thông báo, cảnh báo người dân không nên giao dịch đối tại những khu vực chưa có quy hoạch. Cần chú ý việc người dân tự đầu tư hạ tầng “tự phát”, tự nguyện hiến đất mở đường để tăng giá trị đất đai có hệ quả manh nha hướng đến tự phát phân lô, bán nền. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành điểm dân cư dọc theo đường giao thông chưa có quy hoạch .

Người dân vẫn chọn mua đất nông nghiệp dù biết không xây dựng được. Vì giá rẻ hoặc tin vào cam kết của môi giới sẽ lên được thổ cư rồi xây dựng nên nhiều người vẫn rơi vào “bẫy”. Lời khuyên của bà dành cho người dân khi mua bất động sản dạng này?

- Các nhà đầu tư và người dân cần thận trọng trong việc nghiên cứu vị trí quy hoạch và chọn chủ đầu tư có uy tín để “xuống tiền”. Người dân đừng ham rẻ mà đầu tư theo phong trào, theo tin đồn mà cần thận trọng đọc kỹ quy hoạch, hồ sơ dự án, các điều khoản trong hợp đồng được quy định cụ thể tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6//1/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 8 loại hợp đồng được giao dịch trên thị trường.

Người dân, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cần cảnh giác với lời hứa “cam đoan bằng lời” của các môi giới bất động sản không chuyên nghiệp. Trước khi giao dịch cần yêu cầu hồ sơ, thông tin về bất động sản, phải xem lô đất có đủ điều kiện giao dịch không và mua vào sẽ làm được gì.

Hiện quy định tại khoản 3 Điều 59 Nghị định 16/2022 đã tăng nặng nhiều mức phạt với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản. Cụ thể, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản nhưng không đủ điều kiện theo quy định; Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bà Rịa-Vũng Tàu: Lộn xộn bất động sản - Bài 3: Chặn việc tùy tiện tách thửa đất nông nghiệp