Gần 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi), bán nước ở ngã tư Cống Mọc - Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) bất kể thời tiết nắng, mưa cứ vào giờ cao điểm xảy ra tắc đường bà lại bỏ quán nước ra ngã tư điều khiển giao thông. Việc làm ý nghĩa của bà đã góp phần giúp cho các “điểm đen” này bớt ùn tắc, giao thông thuận tiện hơn.
Bà Nguyễn Thị Tiến.
Khi đến khu vực ngã tư Cống Mọc- Quan Nhân hỏi bà Tiến “điều khiển giao thông” ai cũng vui vẻ nói về “u Tiến” bán nước luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.
Bà Tiến kể, những năm gần đây do lưu lượng người tham gia giao thông tăng lên nên khu vực ngã tư Cống Mọc- Quan Nhân (Thanh Xuân) vào giờ cao điểm thường xuyên bị ách tắc. Ngồi bán hàng bà quan sát thấy cảnh sát giao thông vất vả phân làn nhưng không kịp, những lúc không có cảnh sát giao thông thì tình trạng ách tắc lại nặng nề hơn. Vì vậy, bà Tiến đã quyết định đứng ra điều khiển giao thông.
“Nhìn đường thì tắc nghẽn, người đi đường thì nhích từng chút, hàng tiếng vẫn không đi được nên tôi chỉ muốn giúp họ. Ban đầu, khi ra phân làn giao thông giữa trời nắng nhiều người bảo tôi điên hay sao mà lo chuyện thiên hạ. Nhưng sau đó thấy việc tôi làm có ích nên mọi người cũng ủng hộ”, bà Tiến nói.
Bắt đầu công việc bán nước, bánh mì từ 5h sáng và kết thúc vào khoảng 22h đêm. Có những ngày bà Tiến phải 5,6 lần chạy ra ngã tư điều khiển giao thông. Dù vất vả, đôi lúc không bán hàng được nhưng thấy mọi người đi lại được dễ dàng bà cảm thấy rất thoải mái.
Bà Tiến cho biết, bà rất vui vì mọi người ai cũng nghe theo sự điều khiển giao thông của mình. Cũng có lúc, khi ra hiệu dừng lại nhưng vẫn có người cố tình di chuyển thì bà Tiến lại nhẹ nhàng nói với họ rằng “tôi làm để giúp mọi người chứ không phải làm công ăn lương” nên họ cũng nghe theo và dừng lại.
“Tôi luôn tự nhủ mình làm công việc thiện để tích đức cho con cháu chứ cũng chẳng mong được lên báo hay ai khen. Nhưng nhiều người biết tôi làm việc này đã tìm đến chia sẻ với tôi bằng cách mua thêm một cái bánh mì, uống thêm một cốc nước, những lúc như vậy, tôi thấy vui lắm vì việc thiện của mình được mọi người ủng hộ”, bà Tiến chia sẻ.
Gần 40 năm bán nước, 10 năm gắn bó với việc điều khiển giao thông, với bà Tiến những lời cảm ơn, động viên của mọi người là động lực để bà gắn bó hơn với công việc này.
Có lần tắc đường lâu quá nên bà phải rất vất vả phân làn đường mới thông suốt được. Khi đó, có một cô giáo đã xuống xe cảm ơn và biếu bà tiền uống nước nhưng bà không nhận. Nhưng với bà đó là những kỷ niệm không thể quên.
Không chỉ là người điều khiển giao thông, bà Tiến còn là “bà hòa giải” rất khéo những vụ va chạm giao thông ở đây. Bà kể, có những trường hợp người đi đường va chạm cãi nhau om sòm không có ai can ngăn. Khi đó, u Tiến đã nhẹ nhàng ra khuyên bảo hai bên để không xảy ra đánh nhau.
Bà Tiến cũng chia sẻ, quán nước của bà hàng ngày có nhiều người qua lại uống nước nên thường xuyên có người để quên điện thoại, máy tính và tiền. Có lần khách để quên túi xách có 30 triệu, đi đến cầu Thăng Long mới nhớ ra quay lại xin và biếu bà tiền nhưng bà không nhận.
Tuy nhiên, nhiệt tình, tâm huyết là vậy nhưng cũng có những lúc bà Tiến đổ bệnh vì đứng dưới trời nắng lâu quá. Có lần bà đi khám ở bệnh viện và phát hiện mình bị tụ máu não, phải nằm viện điều trị hàng tháng trời. Thế nhưng, khi khỏe lại, với chiếc gậy quen thuộc bà lại ra đứng đường điều khiển giao thông.
“Khi làm việc thiện giúp ích cho mọi người tôi cảm thấy rất thoải mái và khỏe hẳn người ra. Tôi còn phải bán nước 10 năm nữa để nuôi đứa út đang học lớp 12 ăn học. Và khi nào còn bán nước tôi sẽ còn ra điều khiển giao thông giúp mọi người”, bà Tiến nói.