Công tác xây dựng Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong 5 lần về thăm và làm việc tại Nam Định. Ngoài biểu dương, khen ngợi, Người phê bình nhiều thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên địa phương.
Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 60 năm lần cuối Bác Hồ về thăm Nam Định (21/5/1963 - 21/5/2023), chiều ngày 12/5, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học ‘Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác’. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đồng chủ trì Hội thảo.
"Phong cách tư duy, chỉ đạo mẫu mực"
Các tham luận tại Hội thảo đều tập trung nhìn nhận, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm, có tới 5 lần về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định (vào các năm 1946, 1957, 1958, 1959, 1963), trực tiếp nói chuyện với tập thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; nhiều lần gửi thư, điện, viết bài biểu dương, khen ngợi tập thể, cá nhân ở Nam Định; theo dõi quan tâm từng bước trưởng thành của Đảng bộ...
GS.TS. NGƯT Phùng Hữu Phú, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhìn nhận: “Nam Định, vùng đất có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa quan trọng; vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang; vùng sản xuất nông nghiệp lớn của đồng bằng sông Hồng; trung tâm của ngành công nghiệp dệt với đội ngũ công nhân đông đảo; miền đất hiếu học với nhiều trí thức, văn nhân danh tiếng; nơi có đông đồng bào công giáo... - là một trong những địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm”.
Theo ông Phùng Hữu Phú: “Nghiên cứu kỹ, suy ngẫm từng câu chữ trong bài nói của Người trước Đại hội Đảng bộ, trước cán bộ, nhân dân cùng những bài nói của Người trong những lần về thăm tỉnh mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ siêu việt, phong cách tư duy, chỉ đạo mẫu mực vừa khoa học vừa sâu sát, tỉ mỉ của người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nói và làm chỉ với một mục đích duy nhất là ích nước, lợi dân”.
"Tất cả cùng chống tham ô, lãng phí thì sẽ hết được”
PGS.TS Nguyễn Văn Giang, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương thì nhìn nhận, vấn đề xây dựng Đảng bộ Nam Định vững mạnh xứng đáng với vai trò lãnh đạo một địa bàn trọng điểm của miền Bắc lúc bấy giờ là mối quan tâm đặc biệt của Bác.
Ông nêu ra 11 vấn đề về xây dựng Đảng được Bác căn dặn, yêu cầu các cấp ủy, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Nam Định thực hiện, gồm: về công tác lãnh đạo, đối với cán bộ, đối với công tác dân vận, về công tác tuyên truyền, về đảng viên và công tác đảng viên, về xây dựng chi bộ, về xây dựng tổ chức, tinh giản biên chế, về cất nhắc cán bộ nữ, về thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, về gương mẫu và về phòng, chống tham ô, quan liêu, lãng phí.
Trong đó, “về gương mẫu”, trong bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 1963, Bác phê bình: “Có cán bộ, đảng viên còn lãng phí nhiều trong việc cưới xin, ma chay trong gia đình mình. Thậm chí có đảng viên còn nấu rượu lậu. Họ phạm kỷ luật của Đảng, phạm pháp luật của Nhà nước, họ mất đạo đức cách mạng của người đảng viên, làm gương xấu cho quần chúng”. Bác nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gương mẫu: “Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu”.
Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy dệt, Bác nói rõ: “Nhà máy đang có hiện tượng tham ô lãng phí, mà nhất là lãng phí. Như vậy là thiệt cho ai? Thiệt cho công nhân, thiệt cho Nhà nước, thiệt cho nhân dân”. Bác phê bình thắng thắn và cụ thể: “Ngay trên tỉnh cũng còn hiện tượng hình thức, tốn kém tiền bạc của Nhà nước, lãng phí công sức của nhân dân, như việc làm cổng của nhà triển lãm, việc phá đi xây lại nền nhà của Tỉnh ủy... Trung ương và Bác rất phiền lòng về những khuyết điểm ấy”.
Để thực hiện phòng, chống, Bác dặn: “Để thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn nữa thì Tỉnh ủy, các đảng ủy và cán bộ phụ trách các cơ quan, các xí nghiệp, công trường và mậu dịch cần phải thực hiện cho có kết quả tốt cuộc vận động "Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu".” Bác chỉ ra phương cách phòng, chống là phải huy động toàn Đảng, toàn dân cùng chống tham ô, quan liêu, lãng phí: “Nếu chỉ giám đốc và cán bộ chống tham ô lãng phí, có làm nổi không? Phải có công nhân cùng làm. Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô, lãng phí thì sẽ hết được”.
“Tuy đã cách xa 60 năm nhưng những điều Bác nói, Bác dặn vẫn còn rất gần với thực tiễn công tác xây dựng Đảng hiện nay”, ông Nguyễn Văn Giang nhìn nhận.
"Chủ tịch cả một chính phủ, thế mà cụ vẫn khiêm tốn nhũn nhặn"
PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng nhìn nhận “Bác dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào Công giáo Nam Định với đặc thù là tỉnh đông giáo dân có lòng mộ đạo, có tinh thần ái quốc”. Lần đầu Bác về thăm Nam Định (ngày 10/1/1946), Bác đến thăm trại trẻ mồ côi (nhà Thiên Thần, còn gọi là nhà Dục Anh, phố Hàn Thuyên, Nam Định). Bác nói với các nữ tu "Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ cảm ơn các bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ”.
Những tư tưởng, tình cảm, phong cách ứng xử của Bác với đồng bào Công giáo Nam Định cùng với chính sách tôn giáo đúng đắn trên nguyên tắc “Tín ngưỡng tự do, Lương Giáo đoàn kết” đã khơi dậy và khích lệ người Công giáo Nam Định tích cực tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước.
Theo bà Hiền, vào thời điểm đất nước có chiến tranh, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (người Việt Nam đầu tiên được Giáo Hoàng Piô XI ban hành sắc lệnh trao cho hàng giáo sĩ bản quốc cai quản Giáo phận Bùi Chu-Nam Định) đã hưởng ứng lời kêu gọi “tuần lễ vàng” ủng hộ đất nước;có một hành động đẹp và lời phát biểu nồng ấm tinh thần ái quốc: “Khi tôi thụ phong Giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá và dây đeo bằng vàng. Nhưng tôi nghĩ, trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi vui lòng chia vật Thánh giá thiêng liêng này làm hai. Thánh giá tôi giữ lại để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin dùng để phụng sự quốc gia”.
Cũng theo bà Hiền, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn và người Công giáo Nam Định có tình cảm đặc biệt với Bác. Trên các tạp chí và báo do Giám mục phụ trách có nhiều bài viết tri ân về Bác. Giám mục viết: “Cụ Hồ Chí Minh. Từ trẻ đã từng bôn ba hải ngoại nằm sương nếm mật để giành lấy quyền độc lập cho đồng bào yêu quý. Ngày nay các đồng chí lãnh đạo vì yêu tài mến đức đặt lên làm Chủ tịch cả một chính phủ, thế mà cụ vẫn khiêm tốn nhũn nhặn, ăn mặc xuyền xoàng, râu tóc không kịp cạo, lại đội một cái mũ… đã trải gió, mưa, như chủ của nó. Với một chủ tịch lão thành đầy kinh nghiệm, đầy đức hy sinh và lòng khiêm tốn như thế… chúng ta có quyền tín nhiệm vào Chính phủ. Chúng ta lại có quyền hy vọng Chính phủ sẽ dẫn dắt ta đến đài vinh quang xây bằng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” (Đa Minh, số 149 năm 1945).
Tinh thần yêu nước của người đứng đầu giáo phận của Giám mục đã lan tỏa trong đồng bào Công giáo Nam Định, là gạch nối đưa Đạo vào Đời, là động lực “thánh thiêng” để đồng bào Công giáo Nam Định tích cực tham gia cách mạng, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đưa hai cuộc kháng chiến (năm 1945 và 1954) của nhân dân ta đi đến thắng lợi.
"Những chỉ bảo thiêng liêng của Bác về tôn giáo trong những dịp Bác về thăm Nam Định, tuy gắn ngọn, nhưng là một sự am tường sâu sắc về Công giáo, sự mẫn cảm chính trị của Bác về mối quan hệ Công giáo - dân tộc trong thời điểm cách mạng lúc bấy giờ", bà nhìn nhận.
Học tập, làm theo Bác ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, thực hiện lời dạy của Người, sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô ngày càng lớn; tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Năm 2019, tỉnh Nam Định trở thành một trong hai địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ngành Giáo dục và Đào tạo duy trì thành tích gần 30 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của tỉnh trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm; khẳng định những lời dạy của Bác đối với Đảng bộ, nhân dân Nam Định không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang giá trị thời đại, gắn liền với công cuộc đổi mới hiện nay, đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Ông đồng thời đánh giá các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của những chỉ dẫn của Bác đối với từng ngành, lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Để phát huy kết quả, ý nghĩa của Hội thảo, ông đề nghị các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Nam Định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.