3 năm trở lại đây, Bạc Liêu luôn có những cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân.
Nhiều chuyển biến tích cực
Thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc Sở NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản cùng các văn bản thi hành luật, nhất là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho bà con ngư dân bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn trực tiếp các chủ tàu cá và thuyền trưởng tàu cá ghi, nộp nhật ký khai thác đạt 100% kế hoạch.
Huyện Đông Hải – một trong những địa phương có số lượng tàu lớn nhất tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp khai thác và đánh bắt thủy sản hiệu quả. Tại Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải đã thành lập Văn phòng IUU, có nhiệm vụ kiểm tra, ghi nhận lịch trình đối với tàu trên 15 m (trên 90CV) cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Đồn Biên phòng Gành Hào cũng đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cửa biển Gành Hào. Cùng với việc xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm, Đồn Biên phòng còn phối hợp với các đơn bị khác thường xuyên tuyên truyền các chủ tàu cũng như ngư phủ hiểu và thực hiện tốt quy định về khai thác hải sản, nhất là khai thác IUU.
Đại úy, Nguyễn Duy Thanh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào cho biết: Đơn vị kiên quyết không cho ra khơi nếu các chủ tàu cá không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, huyện có số tàu đánh bắt thủy sản trên 550 tàu với tổng cống suất hơn 130.100CV, trong đó tàu đánh bắt xã bờ công suất trên 90 CV 300 tàu. Thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đối với bà con ngư dân, nhất là nắm rõ các quy định về phân định vùng biển không vi phạm qua vùng biển các nước bạn lân cận.
Đồng thời, huyện thực hiện quy định về kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi.
"Bằng các giải pháp hiệu quả, điều đáng mừng là ngư dân thực hiện rất tốt các quy định này", ông Kiệt cho biết thêm.
Ông Đặng Văn Hòa, ngư dân tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải chia sẻ: "Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Gành Hào thường xuyên tuyên truyền cho bà con ngư dân chấp hành các quy định ra vào cửa biển, chấp hành khai thác đánh bắt trong vùng biển Việt Nam, không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Bà con ngư dân cũng thực hiện rất tốt việc này".
Không riêng gì ông Hoà, nhiều chủ tàu cá ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cũng có chung nhận thức và hành động như vậy. Ông Đặng Minh Thùy, ngư dân ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết gia đình có hai tàu trên 15m đều được đăng ký, đăng kiểm và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đầy đủ.
Theo ông Thùy, được ngành chức năng tỉnh, Vùng Cảnh sát Biển 4 tuyên truyền nên không còn tình trạng đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, bà con ngư dân khi đánh bắt thủy sản luôn chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đảm bảo thủ tục giấy tờ, khai thác đánh bắt đúng ngành nghề, đúng vùng, tuyến được phép hoạt động.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, cho biết từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 2.000 lượt chủ tàu, thuyền trưởng các quy định về khai thác hải sản trên các vùng biển, đăng ký, đăng kiểm tàu cá.
Ngoài ra, vận động các chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua đó, có 100% chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết, song song với đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân, tỉnh mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành, liên tỉnh để kịp thời phát hiện cũng như xử phạt nghiêm nếu có tàu thuyền khai thác không đúng theo quy định.
Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.700 km vuông gắn với 3 cửa biển lớn là Gành Hào, Cái Cùng và Chùa Phật. Đây được xem là một lợi thế giúp cho hoạt động khai thác và đánh bắt thủy sản phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nghề khai thác biển ở Bạc Liêu không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con ngư dân, mà còn tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, phục vụ chuỗi ngành hàng sản xuất, chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.