Nhiều ý kiến thể hiện sự quan tâm của dư luận xã hội đối với các khoản ngoài học phí đối ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh bạc Liêu đã được thảo luận tại hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Sáng 11/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 1/1/2021 quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu Phạm Thị Mỹ Linh cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí, phụ phí, chi phí dịch vụ phục vụ đối với cơ sở giáo dục công lập vàdự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 1/1/2021 quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh là những nội dung có liên quan, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội của đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng cường kỷ cương nề nếp trong công tác quản lý tài chính nói chung, quản lý khoản thu từ người học nói riêng tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; đồng thời, khắc phục những bức xúc, tồn tại về vấn đề các khoản thu trong một số nhà trường thời gian qua.
Cùng với đó, việc UBND tỉnh ban hành quyết định về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 1/10/2021 quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế, giải quyết một số trường hợp cụ thể phát sinh từ thực tiễn phù hợp với quy định pháp luật, giải quyết các bức xúc của người dân như: sửa đổi, bổ kiện tách thửa, hợp thừa; bổ sung 1 số trường hợp đặc biệt nhằm phù hợp tình hình thực tiễn địa phương; tách thửa đất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích phần thửa đất ở,...; tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới .
Theo bà Phạm Thị Mỹ Linh, Ban Thường trực, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các cơ quan, các chuyên gia trên cơ sở hoạt động thực tiễn nghiên cứu, đề xuất các nội dung khác được quy định tại dự thảo 2 văn bản trên nhưng chưa phù hợp với thực tế, hiệu quả thấp để góp ý với tinh thần cùng thẳng thắn trao đổi, thảo luận và đưa ra được những đề xuất, kiến nghị xác đáng, có cơ sở, khả thi để hội nghị phản biện xã hội đạt kết quả.
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ giáo dục ngoài học phí đối với các cơ sở giao dục công lập trong đó nhiều ý kiến bày tỏ, thời gian qua chính việc không quy định cụ thể các khoản thu nên dẫn đến tình trạng các trường có mức thu khác nhau có trường thu ở mức chấp nhận được nhưng có trường thu ở mức cao, tình trạng lạm thu xảy ra phổ biến gây bức xúc trong dư luận cho nên cần có quy định cụ thể để căn cứ vào đó để thấy khoản thu nào hợp lý, chưa hợp lý và phải công khai minh bạch.
Nhiều ý băn khoăn cho rằng, hiện nay đời sống của nhiều người dân còn nhiều khó khăn nay lại đặt thêm nhiều khoản thu đối với các cấp học như: thu tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường, thu hỗ trợ công tác vệ sinh trường lớp, các khoản thu năng khiếu thể thao, năng khiếu nghệ thuật, thu mua các loại đồ dùng phục vụ học tập, cả phí bảo trì hệ thống máy lọc nước ở các trường… cần phải cân nhắc, nếu không số lượng học sinh có thể sẽ giảm. Bởi, hiện nay một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn nếu đặt ra nhiều khoản thu đã tạo thêm gánh năng nhiều gia đình không đủ khả năng đóng góp.
Các khoản thu nào xét thấy không cần thiết thì cắt bỏ bớt. Chẳng hạn như cấp học mầm non quy định tiền ăn ở các cơ sở công lập tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ mức trần 50.000đồng/trẻ/ngày là cao nên giữ ở mức 42.000đồng/trẻ/ngày; trẻ làm quen với tiếng Anh mức trần là mỗi tiết 25.000đồng/trẻ/tiết là cao cần điều chỉnh ở mức 12.000đồng/trẻ/tiết…
Có ý kiến bày tỏ, thời gian qua, báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng lạm thu ở các trường học nên cần phải hết sức cân nhắc trong ban hành Nghị quyết này, bởi lẻ khi ban hành vô hình chung hợp thức hoá việc lạm thu ở một số điểm trường. Có ý kiến lại thẳng thắn, nhiều khoản thu không cần thiết, chưa hợp lý đã đưa vô dự thảo nghị quyết chẳng hạn thu phí cả bảo trì, sửa chữa hệ thống nước lọc cần phải bỏ ra.
Đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 1/1/2021 quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh, hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý các nội dung liên quan về căn cứ văn bản Luật đất đai; Luật quy hoạch để xây dựng quy định và hướng giải quyết đối với đất nông nghiệp trong đô thị nhưng có diện tích nhỏ. Cần xem xét lại quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, hợp thửa đất; các trường hợp không được tách thửa, hợp thửa; điều kiện tách thửa, hợp thửa đất; trách nhiệm tổ chức thực hiện; hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu , để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Mỹ Linh đánh giá các ý kiến phản biện của đại biểu tại hội nghị hết sức cụ thể, sát thực. Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu và sẽ tổng hợp, báo cáo trung thực, khách quan.