Cả một vùng biển mênh mông sương giăng mờ mịt, cách vài trăm thước đã khó nhận ra đâu là cửa sông sóng vỗ soàm soạp ẩn tàng những lùm lau sậy sú vẹt, đâu là cửa biển sóng trắng nối nhau chạy tít tắp chập chờn.
Mô hình trận chiến Bạch Đằng (938) trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Theo mệnh lệnh của Giao vương Lưu Hoằng Tháo, đội thuyền tiên phong của Lý Long Câu hơn trăm chiếc cắm cờ Hán nối đuôi nhau lừng lững tiến thẳng vào lòng sông Bạch Đằng. Trên mặt thuyền, Lý Long Câu truyền cho binh tướng nhất loạt khênh những sọt đạn đá lớn xếp san sát, đồng thời giương cần máy bắn đá hướng về phía trước sẵn sàng đánh tan bất kỳ thuyền lớn nhỏ nào dám nghênh chiến. Phía sau năm trăm thước, đội hải thuyền trăm chiếc của Tô Phán theo cờ hiệu răm rắp tiến theo đội tiên phong của Lý Long Câu.
Tiếp đến là soái thuyền cùng hai trăm thuyền lớn của Giao vương giương cờ hiệu cùng mấy chục dàn kèn đồng bắc chõ ra hai bên bờ nhất loạt thổi lên từng hồi khiến cửa biển rung động. Đi kèm soái thuyền của Giao vương còn có hai chục thuyền nhẹ, khi thì hăng hái vọt lên trước, khi đột ngột lùi lại phía sau vừa như phô diễn vừa như thám sát các động tĩnh thuận để Giao vương sai khiến.
Cả đội hải thuyền kéo dài đến trên một dặm biển khiến cửa sông Bạch Đằng bỗng chốc như thu hẹp hẳn lại. Phía trước, lòng sông đang lúc triều cường nước dâng ngút ngát ngập cả những bãi sú vẹt chỉ còn nhô ra những chòm lá lắc lư trên mặt sóng khiến đội hình chiến thuyền của Giao vương đều tăm tắp tưởng như đang đi trên đất bằng vậy.
Khi đoàn chiến thuyền dẫn đầu là đội tiên phong của Lý Long Câu đã lọt hẳn vào trong cửa sông Bạch Đằng, những giàn kèn đồng trên soái thuyền như không biết mệt mỏi ré lên, thúc giục đội tiên phong thẳng tiến. Trên chiếc thuyền lớn dẫn đầu đội hình tiên phong, Lý Long Câu chăm chú quan sát, nhưng xa tít tắp hút tầm mắt chỉ là những tầng cây thưa thớt nửa nổi nửa chìm trên mặt sóng.
Nhận được tin đoàn chiến thuyền khổng lồ của Giao vương đang rùng rùng chuyển động tiến vào trong cửa sông Bạch Đằng, Phạm Bạch Hổ mệnh lệnh cho các chòi canh hai bên bờ sông liên tiếp báo tin cho chủ tướng Ngô Quyền. Thoạt tiên, các chòi canh còn đếm được một trăm mười bảy chiếc, đội tiên phong lọt hẳn vào trong cửa sông, tiếp đến đội thuyền lớn thì hai bên bờ Nam bờ Bắc không đếm xuể báo về số lượng vênh nhau khá lớn. Các chòi canh luân phiên cấp báo.
Chưa bao giờ các dũng sĩ An Nam nơi chòi canh được tận mắt nhìn thấy đoàn chiến thuyền phương Bắc hùng hậu lừng lững như những tòa thành nổi trên mặt sông nhiều đến vậy. Đoàn chiến thuyền Nam Hán đi tới đâu, mặt sông như đen thẫm lại từng khúc lớn, những mái chèo thò dài đen đúa chém nước phầm phập khiến bọt sóng bắn lên tung tóe. Khi những chiếc thuyền chở lương thảo, đạn đá lặc lè phía sau lọt hẳn qua bãi cọc cũng là lúc các chòi canh nhất loạt báo về: đoàn hải thuyền Nam Hán đã vào gọn trong cửa sông.
Theo mệnh lệnh của Ngô chủ tướng, khi chiếc thuyền cuối cùng vừa lọt qua khỏi ghềnh đá đang ung dung lướt tràn qua bãi cọc khổng lồ cũng là lúc các đội thuyền An Nam theo mệnh lệnh bắt đầu từ quân doanh theo đội ngũ nhẹ nhàng chia nhau lướt ra giữa dòng sông. Giao vương dẫu có là thánh thần đang ngồi vững trong lòng soái thuyền ấm áp cũng không thể tưởng tượng: ẩn tàng dưới lòng nước sâu, nơi mấy trăm chiến thuyền đang tung chèo lướt qua là thiên binh vạn mã đang đợi giờ phút xung trận.
Những tia nắng từ mặt biển dềnh lên loang xa khiến mặt sông mở rộng hơn. Màn sương mù khổng lồ bỗng chốc được vén lên cao rồi tan biến tự lúc nào. Trên mặt soái thuyền, những loạt kèn đồng theo nhịp chốc chốc lại ré lên những chặp dài khiến chim chóc hai bên bờ hốt hoảng đập cánh bay loạn xạ.
Đội tiên phong của Lý Long Câu đã vượt khỏi ghềnh đá trên hai dặm vẫn tịnh không thấy thuyền lớn thuyền nhỏ nào của An Nam. Họ Lý căng mắt nhìn về phía trước rồi nhìn sang hai bên bờ, chỉ thấy cây cối sông nước nối nhau không một bóng thuyền bè. Đang thầm rủa Tô Phán quá thận trọng khiến đại binh luôn mấy ngày dậm chân nơi cửa biển, bỗng chốc đám lính canh trên tháp cao báo xuống: phía trước có vài chục thuyền nhỏ cờ quạt chiêng trống ầm ĩ đang tiến thẳng về đội hải thuyền.
Lý Long Câu bước về phía mũi thuyền nhìn kỹ, thấy phía trước cách chừng hơn dặm có ba bốn chục chiếc thuyền nhỏ cắm cờ quạt lòe loẹt đang dập dềnh giữa sông như trêu ngươi. Họ Lý phất cờ hiệu, lập tức đội tiên phong dàn hàng ngang nhất loạt hướng cần máy bắn đá về phía đám thuyền nhỏ phía trước. Khi những chiếc thuyền An Nam hiện dần trong tầm máy bắn đá, Lý Long Câu chỉ nhìn loáng thoáng bóng người trên thuyền gỗ, lập tức hạ lệnh nhằm thẳng đám thuyền gỗ bắn sang.
Các tướng Hán chừng như đang nóng lòng chờ đợi phá tan chiến thuyền An Nam, các cần máy bắn đá nhất loạt vung lên hạ xuống. Tiếng đạn đá quật xuống lòng sông ùng ùng. Những cột nước dội lên cao đến nửa trượng xung quanh đám thuyền nhỏ. Chỉ phút chốc, những tay thiện xạ trên hải thuyền điều chỉnh đường đi của đạn đá khiến đám thuyền nhỏ lần lượt vỡ tung trên mặt sông. Tiếng người la hét váng lên. Bóng binh lính trên đám thuyền nhỏ lao lõm bõm xuống sông, bơi dạt về hai bên bờ, mặc kệ thuyền bè đang vỡ nát nửa nổi nửa chìm dật dờ trên mặt sóng.
Chưa đầy nửa khắc, dòng sông trở lại yên bình như chưa hề có một trận mưa đạn đá vừa phủ xuống. Chỉ lèo tèo đám ván thuyền, những lá cờ rách trôi lều bều trên mặt sông.
Không cần cho người báo lại với Giao vương, đội tiên phong của Lý Long Câu chưa hề sứt mẻ lấy một chiếc cứ thế lừng lững tiến về phía trước. Chỉ vài chục loạt đạn đá đã khiến đám thuyền An Nam tan vỡ cả, khiến Lý Long Câu truyền bê chiếc ghế gỗ lớn lên mũi thuyền để tiện bề quan sát, lệnh cho đội tiên phong gấp rút tay chèo.
Tận mắt chứng kiến sức mạnh của những cần máy bắn đá của chiến thuyền Nam Hán, binh lính ở các chòi canh không khỏi kinh hãi báo về với chủ tướng Ngô Quyền. Trên soái thuyền, Ngô chủ tướng cho đo lại mực thủy triều một lần nữa mới bình tĩnh truyền lệnh cho tả đội tiên phong xuất phát nhử địch.
Hiệu lệnh vừa truyền đi, hơn trăm chiến thuyền của tả đội tiên phong do lão tướng Ngô Tôn Tư lập tức gấp tay chèo tiến về phía trước. Từ giữa đêm, Ngô tiên phong đã cho ken dày những khúc luồng lớn hai bên mạn thuyền, đồng thời cho đẵn hàng ngàn bè chuối trên trát đất dẻo cắm cờ nhỏ, cứ thế một thuyền dắt theo bảy tám bè chuối.
Tả đội tiên phong vừa xuất phát xong, Ngô Quyền cho tướng chèo thuyền nhẹ đến gọi Phạm Bạch Hổ lên soái thuyền. Khi Phạm tướng quân vừa tới nơi, Ngô Quyền bước ra nói lớn:
- Phạm tướng quân! Binh tướng báo về hải thuyền của Giao vương đã lọt hết qua bãi cọc còn thị uy bằng đạn đá, khiến thuyền nhẹ của ta tan vỡ cả. Nay tả đội tiên phong đang tiến ra nhử địch, ta chỉ cho cầm cự già nửa khắc phải dạt vào bờ. Tướng quân hãy cùng tiền đội tiên phong tiến lên đánh nhau với chúng một chặp rồi rút về đoạn phục binh. Theo mực nước hôm nay, chắc phải đến quá Ngọ thủy triều mới xuống. Hãy đợi tới lúc thuyền giặc lọt vào mai phục, bảy đội binh thuyền của ta nhất tề xông lên đánh thẳng vào tiên phong địch sẽ khiến chúng phải lui binh. Buổi sáng hãy dặn các tướng đừng ham chiến mà chỉ dụ địch.
Phạm Bạch Hổ vâng lệnh mau chóng trở về cho tiền đội tiên phong xuất phát, lại dặn các thuyền phải giữ cự li thưa thoáng trên mặt sông nhằm tránh thương vong cùng là lúc phía trước tiếng trống đồng trống cái của tả đội tiên phong gióng lên ầm ầm át cả tiếng kèn đồng quân Hán cùng từng chặp ré lên.
Phía trước lòng sông Bạch Đằng, khi những chiếc thuyền mang cờ hiệu của lão tướng Ngô Tôn Tư mới chớm lọt vào tầm đạn đá của đội tiên phong thuyền Hán, Lý Long Câu lập tức ra hiệu cho đám binh lính nhất loạt bắn đạn đá về phía trước. Những tiếng động ầm ầm trên mặt sông rộ lên. Từng cột nước bắn tung tóe. Đám chiến thuyền An Nam tan vỡ dạt cả ra hai bên bờ tránh luồng đạn đá. Đám thuyền Hán sấn lên khi thấy chiến thuyền An Nam dạt chạy sang hai bên. Tả đội tiên phong Ngô Tôn Tư hiệu lệnh cho các thuyền giãn đội hình, đồng thời nhất loạt cắt bè chuối thả lều bều dày đặc mặt sông. Lúc này thủy triều đang đạt đỉnh, dòng sông rộng mênh mang, con nước dừng đứng hẳn lại khiến đám bè chuối cứ dập dềnh đứng im, cờ phướn phấp phới như trêu ngươi. Chỉ nửa khắc nữa thủy triều bắt đầu rút xuống, đám bè chuối sẽ trôi dạt ra cửa biển. Khi ấy các thân chuối bị đạn đá bắn rã rời, đất sét trên bè rơi xuống lòng sông khiến thân chuối nổi lên sẽ mắc vào các mái chèo chiến thuyền Nam Hán. Đám thuyền Hán như không đếm xỉa đến hàng ngàn bè chuối nửa nổi nửa chìm bập bềnh trên sóng, cứ thế sấn thẳng truy đuổi thuyền An Nam đang dạt sang hai bên bờ. Khi các thuyền An Nam mất hút nơi các hẻm sông um tùm cây cối cũng là lúc Lý Long Câu ra hiệu lệnh khép lại đội hình thẳng tiến về phía trước.
Thấy con nước đã bắt đầu rút mạnh, đội chiến thuyền tiên phong của Lý Long Câu đã tiến sâu vào lòng sông Bạch Đằng đến vài dặm, Phạm Bạch Hổ theo lệnh của chủ tướng Ngô Quyền chia đội hình hơn trăm chiến thuyền lớn mang cờ hiệu nhất tề dàn hàng ngang giăng kín mặt sông. Lý Long Câu sau khi đánh tan hai đội binh thuyền vừa trở vào trong trướng hổ nghỉ ngơi, bỗng thấy đám lính canh báo phía trước có hàng trăm chiến thuyền lớn của An Nam, vội vàng bước ra ngoài xem. Họ Lý cả kinh khi thấy lòng sông hai bên dường như đột ngột thắt nhỏ lại. Trên những mỏm đá nhô ra sát bờ cây cối rậm rạp, vô số cờ hiệu An Nam được cắm lên càng khiến Lý Long Câu nghi hoặc. Còn chưa kịp hạ mệnh lệnh, đã thấy hai bên bờ tiếng chiêng trống nổi lên ầm ầm. Họ Lý thất thần chưa biết ứng phó ra sao đã thấy xung quanh thuyền Hán những cột nước dội cao trong tiếng đạn đá quật xuống mặt sông ầm ầm. Cả đoàn hải thuyền đang hướng mũi về phía trước phơi trọn hai bên mạn không kịp xoay sở hứng chịu những loạt đạn đá từ trên mỏm núi cao hai bên bờ bắn thẳng xuống giữa sông. Lý Long Câu chưa kịp xoay thuyền chống đỡ cũng là lúc các chiến thuyền của Phạm Bạch Hổ theo con nước đang rút mạnh ồ ạt xông thẳng vào chính diện, cấp tập giáng những trận mưa đạn đá trùm xuống. Ba bề bốn bên tiếng kêu thét vang lên lộng óc. Hàng chục cần máy bắn đá trên hải thuyền bị đạn đá của quân An Nam trên bờ đánh bay thốc xuống mặt nước. Những chiếc thuyền nhỏ của An Nam bỗng không biết từ đâu nhất loạt được châm lửa cháy đùng đùng như có dây ngầm kéo dưới lòng sông cứ nhằm thẳng hải thuyền của Lý Long Câu sấn tới. Lý Long Câu hò hét ra hiệu tứ phía song dường như đám binh tướng quá sợ hãi đã hò nhau chui hết xuống lòng thuyền bỏ mặc tiếng thét lác của chủ tướng. Phút chốc, đội hải thuyền hung hăng kềnh càng như những tòa thành nổi co cụm nơi lòng sông chật hẹp chỉ còn biết chống trả cầm chừng. Lúc này, đạn đá trên hải thuyền đã cạn càng khiến Lý Long Câu hoảng hồn lúng túng chưa biết lùi tiến ra sao bèn hô lính bắn pháo hiệu xin viện binh ở phía sau.
Tượng Ngô Quyền ở An Hải, hải Phòng.
Suốt từ sáng, đội hải thuyền lớn của Giao vương theo nước triều dâng mạnh tiến thẳng vào lòng sông, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Lại thấy tiên phong Lý Long Câu hai lần phá tan chiến thuyền giặc cỏ Giao vương chắc mẩm phen này binh tướng An Nam đã tan vỡ hết, bỗng đâu nhận thấy pháo hiệu xin viện binh của Lý Long Câu, cả kinh cho gọi Tô Phán đến soái thuyền. Tô Phán ngơ ngác nhìn pháo hiệu báo nguy cấp còn chưa hiểu chuyện gì, Giao vương đã phán:
- Tô tướng quân hãy mau tiến lên đánh tan đám giặc cỏ cho bản soái. Có lẽ nào chúng được trời giúp hay sao mà khiến Lý tiên phong phải giữa chừng xin viện binh gấp như vậy?
Tô Phán vâng dạ lật đật rời khỏi soái thuyền, hiệu lệnh cho hơn trăm chiếc hải thuyền gấp tay chèo tiến về phía trước.
Càng tiến ngược về phía đội thuyền tiên phong của Lý Long Câu, lòng sông Bạch Đằng càng nhỏ thắt lại. Thủy triều rút xuống ồ ồ khiến các hải thuyền khổng lồ bơi ngược nước khó khăn lắm mới nhích lên được. Mặt trời bắt đầu xuống nhanh, những tia nắng xiên từ rặng núi xa chếch xuống lòng sông lóa nhóa. Khi phía trước hiện ra đội hải thuyền của Lý Long Câu đang bị vỡ đắm bốc cháy từng mảng, Tô Phán hạ lệnh cho binh tướng dùng máy bắn đá về phía hai bên đang hỗn chiến, song đám lính không biết nhằm vào đâu. Xung quanh mỗi chiếc hải thuyền lớn có đến năm bảy thuyền nhỏ đang châu đầu vào đánh giết, đốt phá khiến binh Hán không dám bắn bừa, sợ trúng vào thuyền lớn. Còn chưa hết bàng hoàng, bỗng hai bên bờ tiếng chiêng trống, những hồi cồng vang lên âm i rờn rợn. Càng kinh hãi hơn, sau loạt cồng là hàng trăm tiếng voi nhất loạt gầm lên rung chuyển cả mặt sông cũng là lúc hàng trăm loạt đạn đá nhất tề dội xuống hai bên mạn thuyền cứu viện đang trơ trọi dưới lòng sông. Như đã được ngắm bắn kỹ lưỡng từ trước, đạn đá của quân An Nam hai bên bờ vô cùng chính xác, lần lượt đánh gãy những cột buồm lớn, phá tan các tháp thuyền bọc sắt, hất phăng từng cần máy bắn đá tung lên không trung gãy đổ ùm ùm xuống mặt nước đang ngầu bọt. Tiếng la hét thất thanh, những cột nước ngầu đỏ sôi sùng sục. Cả đội hải thuyền của Tô Phán chỉ biết đứng trơ chịu trận giữa lòng sông hẹp. Binh tướng Nam Hán kẻ vỡ toác đầu, người gãy cẳng lòi xương máu me be bét kêu khóc như ri kéo nhau chui tụt vào trong lòng thuyền, mặc kệ chủ tướng Tô Phán gào thét khản đặc cả giọng. Cùng lúc đó, từ hai bên bờ sông lau sậy rùm ròa, hàng chục thuyền nhỏ trên chất đầy cỏ khô cháy rừng rực như có dây cáp ngầm kéo dưới lòng sông vun vút lao thẳng vào đám hải thuyền. Giữa lòng sông, cơ man thân cây chuối đen đặc ồ ạt dạt vào quanh đám hải thuyền khiến các mái chèo không sao nhấc lên được. Mặt trời sập xuống rất nhanh. Hai bên bờ tiếng hò reo ầm ĩ. Mỗi khi quân Hán bị bọn tướng soái trong thuyền thúc giục lên mặt thuyền tìm phương hướng liều chết tháo lui đều gặp phải hàng loạt tên như châu chấu từ hai bên bờ bắn thẳng xuống thuyền, khiến chúng không ngóc đầu lên được. Cả một khúc sông ngầu đỏ, sôi sục, rừng rực cháy trong ánh chiều chạng vạng chen tiếng la hét rợn người.
Nhận được tin cấp báo, hai đội hải thuyền tiên phong của Lý Long Câu nà Tô Phán đang gặp nguy khốn bị đốt giết đã tan vỡ quá nửa. Lại thấy mặt trời rút xuống rất nhanh, Giao vương vội cho mấy tên tùy tướng dùng thuyền nhẹ bơi về phía trước xem xét binh tình còn chưa trở lại, đã thấy tên tùy tướng của Tô Phán máu me đầy người ập lên soái thuyền quỳ trước mặt Giao vương sợ hãi bẩm báo:
- Bẩm Giao vương! Hai đội tiên phong đang bị chiến thuyền giặc cỏ vây đốt rất gấp. Tính mạng của hai tướng Lý Long Câu và Tô Phán chưa biết lành dữ ra sao. Mạt tướng liều chết phá trùng vây về đây bẩm báo, xin Giao vương hãy rút đại quân ra biển mới mong bảo toàn được.
Giao vương hốt hoảng quát:
- Các ngươi nói sao? Chiến thuyền giặc cỏ phá tan được hải thuyền của bản soái trong lòng sông Bạch Đằng ư? Mau truyền lệnh ta, toàn bộ binh thuyền lập tức rút khỏi Bạch Đằng.
Đám tùy tướng xung quanh Giao vương vội vã truyền lệnh cho hơn hai trăm hải thuyền còn lại lập tức lui binh mà không đếm xỉa gì tới sự sống chết của đội tiên phong. Trời nhập nhoạng tối, Giao vương sai đốt đuốc trên mặt thuyền, quát thét đám lính gấp tay chèo ra phía cửa biển, mau chóng rời xa khúc sông đang ngầu bọt đỏ. Xác thuyền, xác những binh lính hai bên trôi dạt theo dòng nước thủy triều ra cửa biển càng khiến Giao vương nóng lòng giục quân rút nhanh.
Khi đám lính reo mừng bẩm báo đã sắp thoát ra khỏi cửa sông, bỗng các chiến thuyền phía trước đột ngột bị dựng đứng cả lên. Những tiếng kêu ục oặc, răng rắc dưới lòng sông lúc này đã tối thẫm lại. Giao vương cả kinh cho người đi thám sát, chỉ thấy các chiến thuyền chen nhau dồn ứ lại. Phía trước ba bốn chục chiếc bị những cọc gỗ nhọn đội thủng đáy dựng ngược lên. Có những chiếc đà lao quá mạnh trúng phải hai ba cọc gỗ khiến chiến thuyền vật nghiêng xuống vỡ toang hoác, nước tràn vào ồng ộc, khiến đám lính kêu thét váng trời, nhiều tên hoảng quá nhảy cả xuống dòng nước lạnh.
Đại quân của Giao vương trong ánh đuốc nhập nhoạng kinh hãi nhìn bốn phía đều là trùng trùng cọc nhọn vượt hẳn lên khỏi mặt nước đến hai ba thước như bức tường thành chặn đứng toàn bộ chiến thuyền. Phía sau, nơi thủy triều đang rút cạn chỉ còn trơ lại những thuyền đắm vỡ, chiến thuyền của hai tướng Lý Long Câu và Tô Phán chỉ còn vài chục chiếc như rắn mất đầu đang lê lết trôi dạt dồn về càng tăng thêm vẻ hỗn loạn trên khúc sông hẹp. Bốn phía sông nước, nơi đồi cao rừng rậm hai bên bờ, đèn đuốc nhất tề được thắp sáng rừng rực. Từng đống cây khô lớn được lính An Nam đốt sáng cả góc rừng. Tiếng quân reo dậy đất. Tiếng voi gầm át cả sóng nước thủy triều. Trên không trung, bầu trời như đen đặc thỉnh thoảng bắn lên những tiếng pháo hiệu cấp cứu vô vọng của các hải thuyền đang mắc kẹt trong trùng trùng cọc gỗ. Khi hai tướng Lý Long Câu và Tô Phán thương tích đầy người lết được vào trong soái thuyền cũng là lúc Giao vương mặt cắt không còn giọt máu run lẩy bẩy trên chiếc ghế gỗ lớn bọc da hổ không cất nổi giọng hỏi hai tên bại tướng.
Thấy Giao vương run cầm cập mãi không thốt lên lời, Lý Long Câu quỳ xuống run giọng nói:
- Bẩm Giao vương! Đại quân ta trúng độc kế của giặc cỏ An Nam rồi.
Giao vương Lưu Hoằng Tháo cặp mắt ngầu lên, quăng quắc nhìn hai tướng rồi đờ đẫn nhắm tịt lại thều thào nói:
- Mau… mau tìm cách đưa bản soái ra khỏi khúc sông này…
Hai tướng Lý Long Câu, Tô Phán nhìn quanh rồi bất chấp tính mạng bò lên mặt soái thuyền quan sát. Chỉ thấy bốn phía quân reo, lửa cháy ngút trời. Bốn bề trùng trùng cọc gỗ đang đội hất tung lên, kẹt cứng lại các chiến thuyền Nam Hán. Hai bên bờ dày đặc thuyền nhỏ chất củi khô được châm lửa như có trời run rủi cứ nhằm thẳng đám hải thuyền đang kẹt trong cọc nhọn mà lao tới. Giữa lòng sông, bảy đội chiến thuyền An Nam quây chặt đám hải thuyền đầy thương tích đang bị trăm ngàn thuyền nhỏ đeo bám đốt phá. Trên các đỉnh núi, mỏm đồi hai bên bờ sông, tiếng chiêng trống ầm ầm. Trong ánh đuốc rừng rực cháy sáng cả những vạt rừng, hàng trăm thớt voi ngà sáng lấp lóe tung vòi gầm lên càng khiến quân Hán dưới thuyền hồn bay phách tán.
Trong nhập nhoạng ánh lửa, chờn vờn trên không trung, đột ngột nổi lên những tiếng nổ ầm ầm như sấm sét từ trời cao ập xuống. Trong tiếng sấm chớp ì ầm, nghe có tiếng thiên binh vạn mã vần vũ kéo đến sát phạt ầm ầm. Bầu trời bỗng chốc tối đen đặc lại, chỉ còn rộ lên những tiếng kêu khóc hú hét kinh hãi của tàn binh tàn tướng Giao vương. Quá sợ hãi tiếng gầm rú từ không trung, lại bị lửa thiêu đốt suốt từ chập tối nóng không thể chịu nổi, nhiều binh lính Hán bất chấp mạng sống nhảy ào xuống sông, kẻ lóp ngóp bơi, người chìm nghỉm, đen đặc cả lòng sông vốn đang sôi sùng sục. Nhiều tên mặc giáp nặng, vừa rơi ùm xuống sông cứ thế chìm nghỉm không tăm tích gì. Nhiều tên bỏ gươm quẳng giáp cứ thế trần trùng trục bất chấp mưa tên bơi vào bờ xin hàng. Số quân bơi được lên bờ ngày càng đông bỏ mặc bọn bị thương và những chiếc thuyền rỗng cháy nham nhở, đen đúa giữa lòng sông gió lạnh ù ụ thổi.
Đến quá nửa đêm, khi tiếng than khóc đã dần lắng lại, chiêng trống đã ngớt, chỉ tiếng sóng sì soạp nổi lên quanh đám xác thuyền nửa nổi nửa chìm dựng ngược lật nghiêng trong bãi cọc khổng lồ cũng là lúc Ngô chủ tướng hạ mệnh lệnh thu quân. Suốt từ chiều đến chập tối, dân các vùng cửa sông Bạch Đằng nghe tin chủ tướng Ngô Quyền hãm giặc, lại có tin truyền mấy trăm chiến thuyền Nam Hán đều bị mắc kẹt trong bãi cọc khổng lồ của Ngô tướng quân đã kéo đến rất đông. Hàng đoàn tráng đinh dẫn đầu là các lão chài râu trắng như cước trong ánh đuốc bập bùng khiêng từng sọt bánh trái, hoa quả, cơm rượu, nước uống đến cho quân binh của Ngô chủ tướng thêm sức bắt giặc. Khi số binh lính Hán liều chết bơi vào bờ hàng vô số kể đã được các tráng đinh dùng những cây luồng kẹp chặt trên cổ, dưới hông, dùng chão tre trói chặt như dân vùng biển trói cua đem từng xâu ra chợ. Từng xâu, từng xâu tù binh Hán được rong tuốt về phía bãi đất rộng trong rừng đợi lệnh của Ngô tướng quân.
Tới gần sáng, tiếng hò reo bắt giết đã hoàn toàn im lặng cũng là lúc con nước thủy triều bắt đầu nổi dềnh lên che dần bãi cọc khiến xác lính, xác thuyền dạt vào hai bên bờ san sát. Nước thủy triều lên đến đâu, cửa biển, cửa sông Bạch Đằng xanh thẫm trở lại tới đó, như không hề vừa có một trận huyết chiến kinh thiên động địa diễn ra suốt một ngày một đêm liền.
Mờ sáng, khi nhận được tin báo đã tìm được xác của hai viên tướng Lý Long Câu và Tô Phán vẫn còn nguyên giáp phục đang định cướp thuyền nhẹ chèo ra biển thì bị cọc đâm thủng cứ thế nửa nổi nửa chìm dật dờ trên sóng nước Bạch Đằng, còn Giao vương Lưu Hoằng Tháo nhất định không chịu rời soái thuyền đã bị thiêu cháy. Khi soái thuyền dần chìm xuống lòng sông, Giao vương Lưu Hoằng Tháo uất hận rút kiếm tự sát còn không rời chiếc ghế gỗ bọc da hổ trong soái thuyền. Bàn tay Giao vương nắm kiếm chắc đến mức đám quân vớt lên phải loay hoay mãi mới gỡ được kiếm đem dâng Ngô chủ tướng. Đáng thương thay Giao vương Lưu Hoằng Tháo, vâng mệnh Hán đế Lưu Cung thân dẫn mười vạn binh thuyền xuống An Nam xây mộng bá vương, đất của người chưa kịp chiếm đã bại binh vong mạng sớm tìm đường đi gặp Long vương.
Ngô Quyền cầm thanh kiếm quý của Giao vương Lưu Hoằng Tháo nâng lên ngang mày trước ánh bình minh đang ló rạng ngoảnh ra nói với chúng tướng:
- Kiếm lệnh của Hán đế Lưu Cung những tưởng trỏ về phương Nam làm cỏ dân ta, khiến nước ta phải trở thành quận huyện của Hán triều. Mộng bá vương kia xây trên máu xương sĩ tốt có bao giờ bền vững được.
Nói đoạn, Ngô chủ tướng quẳng thanh kiếm xuống cửa biển Bạch Đằng lúc này thủy triều đang dâng lên ào ạt.