Bài cuối: Hướng tới sự an toàn và hài lòng của người dân

Dạ Yến - Vũ Mạnh 22/12/2015 09:00

Năm 2015, trong 8 chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận, chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 được xem là thành công nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những kết quả xuất sắc từ chương trình tổng rà soát chính sách cho người có công là tiền đề để sang năm 2016, Mặt trận tiếp tục huy động nhân dân, chọn một số vấn đề toàn dân quan tâm để giám sát như vấn đề an toàn

Bài cuối: Hướng tới sự an toàn và hài lòng của người dân

Giám sát sản xuất an toàn là một trong những nhiệm vụ
của Mặt trận trong thời gian tới. (Ảnh: Hoàng Long).

Người Việt không đầu độc người Việt

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Việc tiếp tục sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng của Việt Nam, làm bùng lên sự lo âu của người dân đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong khi chúng ta đang cố gắng nâng cao vị thế của đất nước với tư cách là một một thành viên bình đẳng của WTO. Trước những vấn đề nhức nhối trên, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định số 20 phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, nhằm nhấn mạnh nội dung an toàn thực phẩm, tạo động lực thúc đẩy việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong cả nước.

Để đảm bảo chất lượng hàng nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu không bị nhiễm vi sinh, không chứa hóa chất bị cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép, hay bị nhiễm hóa chất quá giới hạn cho phép làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng và đồng hành cùng với việc triển khai thực hiện Chiến lược an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, việc Mặt trận tham gia giám sát an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu và cấp bách.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ví câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay giống như một “quả núi” cho thấy nhiều năm qua, vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm rất công khai, không hề giấu giếm. Tại nông thôn tràn lan nhiều sản phẩm nông nghiệp sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật và như vậy vô hình trung “người Việt đang tự đầu độc mình”. Điều này trái với đạo lý của người Việt Nam.

“Vì vậy, năm 2016 cần phải có một cuộc vận động quyết liệt về nhận thức người Việt Nam đừng đầu độc người Việt Nam bằng chính sản phẩm của mình”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh nhận thức, phải trả lại đúng bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Gia đình văn hóa của người Việt Nam là gia đình người Việt phải biết thương người Việt. Không được đầu độc nhau chỉ vì thu nhập của mình.

Sản xuất an toàn vì tương lai đất nước

Ngày 15/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong cả hai nội dung xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh đều hướng tới việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế, có trách nhiệm nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu, hàng hóa của Việt Nam.

Vì vậy, việc thực hiện an toàn thực phẩm được xem như một tiêu chí của nông thôn mới, đô thị văn minh. “Gia đình nông thôn, những gia đình có vai trò trong việc sản xuất thực phẩm mà không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không thể là gia đình văn hóa”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, một trong những nội dung cụ thể là vận động các hộ nông dân cam kết “ba không”: không trồng và bán rau quả, củ không bảo đảm an toàn thực phẩm; không nuôi và bán gia súc, gia cầm, thủy hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm; không làm ngơ khi biết người cùng thôn, xóm nuôi trồng và bán sản phẩm không an toàn.

Nhưng để giám sát được con số hơn 15 triệu người tham gia vào quy trình sản xuất thực phẩm thì không một bộ máy nào có thể đáp ứng được. Lúc này, những kinh nghiệm được rút ra từ chương trình Tổng rà soát chính sách đối với người có công sẽ là bài học quý để Mặt trận và các bên phối hợp tiến hành giám sát trong lĩnh vực cam go này.

Mặt trận sẽ liên kết các tổ chức thành viên, thông qua các tổ chức thành viên như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…đảm nhận việc vận động và giám sát các hộ gia đình cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc giám sát phải tiến hành từ kiểm tra các nơi bán đầu vào vật tư nông nghiệp cam kết bán an toàn, không bán hàng trong danh mục bị cấm. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, những đơn vị đảm nhận việc này chính là các Sở Nông nghiệp, Sở Khoa học và công nghệ. Cùng với đó mỗi hộ nông dân cần có một sổ ghi chép, sổ vật tư để theo dõi quá trình sản xuất.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay một trong những điểm vướng nhất của cuộc giám sát cam go này chính là “tâm lý sợ không làm được”.

“Nếu sợ không làm thì người Việt lại tiếp tục đầu độc người Việt. Vì vậy, đã đến lúc người sản xuất thực phẩm cần tuyên bố sản phẩm mình làm ra là sản phẩm sạch để người Việt đừng đầu độc người Việt và sản xuất an toàn để có sản phẩm xuất khẩu vì tương lai đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cuối tháng 12 công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức

Trong năm 2015, Mặt trận phối hợp với Bộ Nội vụ, Hội Cựu chiến binh thực hiện chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Hội cựu chiến binh tổ chức thành lập 4 Tổ công tác giám sát quá trình khảo sát điều tra xã hội học tại hầu hết các xã, phường, thị trấn thuộc 4/10 tỉnh, thành phố được lựa chọn gồm Đăk Lắc, Tây Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng tham gia, giám sát quá trình tổng hợp, phân tích số liệu các tỉnh, thành phố đã gửi phiếu điều tra xã hội học để tổng hợp. Tổ công tác đã giám sát, kiểm tra chi tiết trên từng phiếu được lựa chọn và so sánh dữ liệu nhập vào phần mềm trên máy tính và bản giấy thực tế cho kết quả như sau: 100% các dữ liệu trên các mẫu kiểm tra, giám sát đều được nhập chính xác vào phần mềm trên máy tính. Đến nay các đơn vị đầu mối đang hoàn tất các nội dung báo cáo.

Dự kiến trong cuối tháng 12/2015 sẽ công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015.

Lấy ý kiến người dân qua mạng điện thoại di động

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, thực tế lâu nay không có phản hồi của người dân về sự lãnh đạo ở cơ sở. Về lâu dài, sự hài lòng của người dân là sự quyết định tồn tại của chế độ. Chính quyền phải nghe dân để biết trong từng lĩnh vực người dân hài lòng bao nhiêu, còn bao nhiêu chưa hài lòng để từ đó đáp ứng yêu cầu của người dân.

“Trong năm 2016, báo chí như báo Đại Đoàn Kết cũng cần vào cuộc để chia thành những vấn đề như thăm dò ý kiến của nhân dân vào một vấn đề cụ thể như việc xử lý rác thải tại địa phương từ đó lượng hóa ý kiến của người dân, lấy sự hài lòng của người dân để làm định hướng. Mỗi tỉnh, thành phố tùy thuộc vào năng lực điều kiện chọn một vấn đề để tiến hành việc khảo sát, giám sát”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Trên cơ sở việc thí điểm giám sát tại một số tỉnh, thành, cũng trong năm 2016, phạm vi giám sát tại các tỉnh, thành trong cả nước sẽ được mở rộng và tập trung vào các đô thị cùng một số nơi để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng cả nước.

Từ thực tiễn việc gửi phiếu điều tra xã hội học gây tốn kém, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề cần bàn thống nhất với các Tập đoàn viễn thông như Viettel, FPT để triển khai thực hiện xây dựng bộ phần mềm lấy ý kiến người dân qua điện thoại di động. Sau khi có kết quả này sẽ xem lại các tiêu chí, các cách lập phiếu, quy trình đánh giá, số hóa toàn bộ và hướng tới thí điểm thực hiện đánh giá qua điện thoại di động.

Năm 2015, MTTQ Việt Nam đã triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát ở cấp trung ương về 8 lĩnh vực, vấn đề nhân dân rất quan tâm, trong đó đã hoàn thành xuất sắc chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng, thực hiện trong hai năm 2014 và 2015. 7 chương trình phối hợp giám sát còn lại đã được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ, các bộ ngành liên quan tích cực triển khai, qua đó cho phép rút ra các kinh nghiệm về cơ chế tổ chức giám sát, khả năng triển khai việc giám sát của các tổ chức thành viên, chọn mục tiêu, yêu cầu cho giám sát năm 2016. Từ kết quả này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, một số nội dung và cơ chế giám sát sẽ được hướng dẫn cụ thể để từ năm 2016 sẽ do MTTQ các tỉnh hoặc các tổ chức chính trị xã hội tự triển khai ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. MTTQ Việt Nam các địa phương sẽ lựa chọn các nội dung giám sát cụ thể theo sức mình, không tham làm nhiều mà làm đâu chắc đó và phải làm tới cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài cuối: Hướng tới sự an toàn và hài lòng của người dân