Hôm qua, trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đặc biệt lưu ý đến công tác cán bộ, khi thời điểm đại hội Đảng các cấp đã cận kề. Phát biểu ấy trong bối cảnh những nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang được làm quyết liệt. Bởi vì suy cho cùng củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ, làm cho cán bộ được dân tin yêu - Đảng tin cậy thì trước tiên là phải phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cho nên chống tham nhũng chính là xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ông Vũ Quốc Hùng- nguyên Trưởng bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương tâm sự với chúng tôi rằng dù từng đảm nhận cương vị gắn với xây dựng chỉnh đốn Đảng, từng trực tiếp kiểm tra, giải quyết nhiều “đại án” tham nhũng tiêu cực, mỗi lần nghe thông tin về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương “tôi không ngạc nhiên vì Trung ương đã cảnh báo từ lâu về sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Nhưng tôi luôn đau xót. Tâm trạng mỗi lần của tôi là rất đau buồn.”
Còn ông Phạm Thế Duyệt- nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từng nhiều lần trăn trở: Nếu không hạn chế được, không ngăn chặn được, để tham nhũng phát triển ngày càng tinh vi, theo chiều hướng ngày càng xấu, thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng, mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gọi đó là một thách thức với Đảng, với chế độ...
Nhìn công tác xây dựng Đảng ở cách tiếp cận như vừa đưa ra, có thể thấy những bước tiến căn bản trong xây dựng Đảng thời gian qua. Dư luận nhân dân luôn nhìn thấy sự quyết tâm của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, của các lãnh đạo cấp cao của Đảng trong chống tham nhũng, tiêu cực, trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Không có vùng cấm ở trong Đảng không còn là một cách nói mà Đảng đã thực hiện theo đúng tinh thần đó, làm đến nơi đến chốn, không có vùng cấm trong Đảng là có thật, là thực hiện thật.
Thời gian qua, dư luận nhân dân chứng kiến việc Đảng đem ra xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao. Nhiều cán bộ từng giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy nhà nước bị đem ra xét xử. Không có vùng cấm ở trong Đảng là có thật, mọi cán bộ đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng, bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, chống tham nhũng tiêu cực, chỉnh đốn Đảng, làm công tác cán bộ nói như ông Vũ Quốc Hùng, “không có nghĩa là chờ đồng chí mình phạm tội rồi đem ra kỉ luật mà phải chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời.” Cho nên xây dựng Đảng phải được bắt đầu ở sự thẳng thắn, kiên quyết, đấu tranh trong nội bộ, trong cấp ủy các cấp.
Tham nhũng ở đâu mà ra? Phải có chức, có quyền mới tham nhũng được. Phòng chống tham nhũng là việc rất khó khăn. Nhìn lại những “đại án”, những phiên tòa xử cán bộ cấp cao, nhìn những cái giá đắt phải trả của những người trước đó mang một danh vị trong xã hội càng thấy bổn phận và trách nhiệm của những người có chức trách và địa vị xã hội trước pháp luật, trước nhân dân.
Chúng tôi không muốn nói về những phút “sa cơ” của những người từng giữ trọng trách cao trong Đảng, chính quyền hay các bộ ngành. Nhưng chúng ta đều nhìn thấy phải đến khi những vụ “đại án” tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc đã được tuyên, thì không ít người từng giữ cương vị chức trách cao mới đau xót thừa nhận tội lỗi của mình. Thậm chí ngay cả khi không có vùng cấm trong Đảng và pháp luật rất nghiêm minh thì vẫn tồn tại đâu đó một tâm lý ở không ít “công bộc” của dân: Có chức kèm theo có quyền, muốn làm gì cũng được.
Tâm lý nghiễm nhiên ấy đã khiến có những cán bộ phạm tội mà đến lúc ra toà mới nhận ra bài học đau đớn và đắt giá, tâm lý ấy khiến vẫn còn có những người nắm giữ quyền lực mặc nhiên sử dụng quyền lực như một thứ đặc quyền đặc lợi. Nhìn lại công tác xây dựng Đảng thời gian qua, với những quyết liệt trong chỉnh đốn Đảng, dư luận nhân dân nhìn thấy những quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ. Dư luận nhân dân mong muốn những bài học đau xót về công tác cán bộ sẽ được rút ra để có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa của công tác này nhất là vào thời điểm trước đại hội Đảng các cấp.
Tự chỉ trích, tự răn mình, cán bộ phải nhận ra bổn phận và trách nhiệm khi có chức quyền là để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nói thì to tát thế nhưng thực chất chỉ cần chọn đúng cán bộ có tài có đức để làm cho đúng chức trách và nhiệm vụ, chứ không phải là để sử dụng quyền lực đó như một thứ bổng lộc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhưng sự chuyển biến ấy chỉ thực sự đạt được kết quả tốt đẹp, toàn diện khi mà ý thức chuyển biến phải được bắt đầu từ mỗi cán bộ đảng viên, bên cạnh sự nghiêm minh trong các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.