Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Đây được cho là sự “rút kinh nghiệm” từ việc đã từng bùng phát dịch trong những dịp nghỉ dài ngày, tập trung đông người.
Bộ Y tế cho rằng, vào những dịp nghỉ lễ, tết... người dân thường có xu hướng di chuyển đông, co cụm, nhất là những địa phương có mật độ dân cư dày đặc, những khu vui chơi, giải trí... Đây là điều kiện lý tưởng để virus SARS-CoV-2 phát tán, lây nhiễm nhanh từ người này sang người khác dẫn đến bùng phát dịch khó kiểm soát.
Lo lắng của Bộ Y tế là không thừa, bởi từng có “tiền lệ xấu” trong năm. Do tâm lý chủ quan, tưởng rằng đã “thắng” “giặc dịch” khi mới chỉ tạm thời khống chế, người ta vô tư “chen vai, thích cánh” để đi du lịch, đến những nơi vui chơi, giải trí đông người. Trong khi đó, cơ quan chức năng hầu như không đưa ra khuyến cáo nào.
Chính vì thế nên sau kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã bùng phát đợt dịch lần thứ 4 dai dẳng cho đến tận bây giờ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm suy thoái nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là bài học đau đớn, đắt giá mà không chỉ người dân, cả cơ quan chức năng cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh tái diễn.
Lần này, trước kỳ nghỉ Tết 2022, nhất là nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã kịp thời có công văn đề nghị Chính phủ xem xét dừng tất cả những hoạt động không cần thiết, tránh để bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng. Lẽ ra, nếu mỗi người có ý thức, ngay cả khi Chính phủ không cấm tụ tập đông người cũng đã phải tự cân nhắc, nhưng thực tế lại khác.
Đơn cử như việc tổ chức các lễ hội đầu Xuân, đặc biệt là các hội làng. Nếu không bị cấm tổ chức, tin rằng người ta chẳng ngại ngần gì mà không mở càng to càng tốt. Nếu không cấm, sẽ chẳng có ai biết sợ SARS-CoV-2 để ngồi nhà trong khi lễ hội tưng bừng đầu ngõ.
Thực ra, mọi mệnh lệnh hành chính đều không nên, bởi nếu người ta không tự giác thì dù có cấm họ vẫn sẽ nghĩ cách “luồn lọt”. Song, với một bộ phận không ít người thiếu ý thức (bao gồm cả người dân và một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị) thì không cấm không được. Đơn giản là cấm mà họ còn tìm cách “chui rào”, huống hồ gì là thả lỏng tự do.
Mừng là chí ít thì bài học đắt giá hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua trong câu chuyện phòng, chống đại dịch Covid-19 cuối cùng cũng đã có cơ quan, tổ chức nhận ra để rút kinh nghiệm cho lần nghỉ Tết (cả dương lịch và âm lịch) này. Vì thế, dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ quan điểm Bộ Y tế, cương quyết cấm các hoạt động tụ tập đông người.
Bị hạn chế tụ tập đông người, không được tổ chức lễ hội có thể Tết Nguyên đán sẽ không được vui như mọi năm, nhưng thà như vậy còn hơn sau này phải lo lắng về dịch bệnh.
Mỗi khi xảy ra sự cố, dù là với cá nhân, tổ chức, hay rộng hơn là cơ quan, đơn vị, địa phương... cần phải biết rút kinh nghiệm, nhận ra bài học cần thiết, nhất là đối với những sự việc gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Trong trường hợp này, những “bài học” cũ vẫn còn nguyên giá trị.