Có nạn nhân của Công ty Alibaba đến từ Đồng Nai, đón xe đò thì từ giữa khuya thức đến sáng ngày hôm sau để vào sớm trình báo công an tại TP HCM. Số tiền gần 300 triệu đồng mà gia đình gom góp nhiều năm từ buôn ve chai phế liệu đã đổ hết vào mua nền đất tại “dự án ma” Diamond City, xã Long Phước, huyện Long Thành do Công ty Alibaba rao bán.
Còn có trường hợp ở tận Đắk Nông tìm đến cơ quan công an tố cáo Công ty Alibaba chiếm đoạt gần 600 triệu đồng tiền mua nền đất tại dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch nhưng nhiều lần chưa đòi tiền lại được. Một nạn nhân ngụ tại Bình Dương khai với cơ quan công an, do nhẹ dạ cả tin đã bị “cò” của công ty Alibaba tư vấn mua hơn 254 triệu đồng nền đất tại dự án Alibaba Phú Mỹ Central City (TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng mãi gần một năm không được phía chủ đầu tư giao nền đất như hợp đồng….
Nhiều nạn nhân từ các tỉnh, thành của Alibaba được Cơ quan CSĐT thống kê sơ bộ, lo lắng bị mất trắng tiền đã “đầu tư” vào các dự án của công ty “ma” tại Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Bình Thuận, Bà Rịa - Vùng Tàu,… mặc dù đã được các cán bộ điều tra Công an TP HCM tiếp nhận đơn, giải thích về việc bảo vệ quyền lợi của mình khi đến tố cáo, nhưng không ít nạn nhân đã không giấu được vẻ thất thần khi “bộ sậu” lãnh đạo của công ty Alibaba bị khởi tố, bắt tạm giam.
Còn nhớ chỉ ít ngày trước, khi Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc vừa bị bắt thì phía Công ty Alibaba đã tổ chức livetream trực tiếp trên mạng để trấn an khách hàng. Tại đây, bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó Tổng GĐ phụ trách Đối ngoại và Đào tạo của công ty chia sẻ với khách hàng, số tiền của họ không bị mất mà đang được cơ quan công an thu giữ để điều tra. Trong khi thời hạn cuối của đợt thanh toán là ngày 21/8 công ty này phải chi trả tiền gốc và lãi cam kết cho khách hàng, nhưng bà Ngọc Như nói công ty không còn tài chính để chi trả. Sau buổi livetream này, hàng trăm khách hàng từ khắp các tỉnh thành đã kéo về trụ sở Cơ quan CSĐT – Công an TP HCM để trình báo các tài sản bị Alibaba lừa đảo, hoặc chưa chi trả theo hợp đồng. Hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được phát giác, vẫn tiếp tục bị che đậy bằng chiêu trò của các nhân viên Alibaba đối với các nạn nhân.
Kết quả điều tra bàn đầu của Công an TP HCM, ông Nguyễn Thái Luyện cùng em trai ruột và các đồng phạm tại Alibaba đã dùng tiền lừa của người dân để thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và số ít đất ở tại nông thôn, sau đó giao cho các cá nhân đứng tên (giám đốc các công ty thành viên). Ông Luyện cũng chỉ đạo tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh, thành (TP HCM, Bà rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận,…). Các dự án hầu hết chưa làm thủ tục pháp lý, cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương cấp phép, phê duyệt. Ông Nguyễn Thái Luyện cũng nắm vai trò điều hành quá trình marketing, quảng cáo rầm rộ bán đất dự án giá rẻ trên mạng để lôi kéo các khách hàng nhẹ dạ cả tin, hám lợi. Kết quả sơ bộ đến tháng 6/2019 thông qua các tài liệu, chứng cứ xác định đã có 6.700 người là nạn nhân của Công ty Alibaba, do Luyện và em trai đứng đầu, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án, đến nay khó có thể thu hồi.
Chuỗi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty này được phát hiện, và từ chính lời khai của các đối tượng lãnh đạo là bài học đau xót không chỉ đối với 6.700 khách hàng bị “lừa” trực tiếp, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những ai vội vàng đầu tư mua bán bất động sản trong khi thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.