Đối với phần lớn thế giới suốt cả nửa đầu năm 2020 này, gần như mọi quốc gia đều phải vật lộn để chống trả dịch Covid-19. Không một quốc gia nào đứng ngoài cuộc chiến đấu này, nhưng nhìn lại một chặng đường đầy khó khăn, vất vả rõ ràng là có những quốc gia đã làm tốt hơn.
Người dân thực hiện tốt việc đeo khẩu trang trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Trong số ấy, Việt Nam tự hào là quốc gia làm tốt. Thậm chí trong sơ đồ hiệu suất của Politico vừa được công bố, Việt Nam là quốc gia có thứ hạng cao nhất trong số 30 quốc gia được tờ báo này khảo sát. Sơ đồ của Politico đánh giá dựa trên kết quả về mặt sức khỏe cộng đồng và kinh tế của các quốc gia.
Cụ thể tờ Politico đã lập bản đồ hiệu suất của 30 quốc gia đi đầu trong công tác chống dịch bằng cách vẽ sơ đồ kết quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng của các quốc gia này. Các quốc gia cũng được phân nhóm dựa trên việc đưa ra biện pháp hạn chế nhẹ, trung bình hoặc nghiêm ngặt đối với thương mại và tương tác xã hội. Kết quả, Việt Nam đã xếp hàng đầu trong hệ quy chiếu và là quốc gia vừa có tình hình sức khỏe cộng đồng cùng tình hình kinh tế tốt nhất trong công tác chống dịch. Việt Nam là quốc gia đông dân nhất chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do Covid-19. Politico đưa ra nhận định: “Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu”.
Đánh giá của Politico với kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua không phải là hoàn toàn bất ngờ. Ngay vào thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng nhất ở Việt Nam, cuộc khảo sát của Dalia Research, một công ty truyền thông của Đức vào cuối tháng 3 đã cho ra kết quả 62% người Việt Nam được hỏi đã trả lời là hài lòng với hành động của Chính phủ Việt Nam. Con số này cao nhất thế giới theo bảng xếp hạng khảo sát của Dalia… Chưa kể, lãnh đạo nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế trong suốt thời gian qua cũng đã dành nhiều lời ngợi khen cho việc chống dịch ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều chúng ta nhìn thấy là gì đằng sau những con số khảo sát, đánh giá, những lời ngợi khen? Không phải chỉ với các kết quả khảo sát của truyền thông thế giới, chúng ta mới trở thành quốc gia ứng phó thành công nhất với dịch Covid-19 cũng như không phải chúng ta chống dịch chỉ để được thế giới trầm trồ ngợi khen.
Là một dân tộc đã từng đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài, chúng ta có đủ bản lĩnh, ý chí và kinh nghiệm ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Đây cũng là một trong những lý do để một quốc gia có năng lực kinh tế và y tế vừa phải như chúng ta đã thành công trong ứng phó với dịch bệnh.
Tuy nhiên, có lẽ yếu tố chính của thành công chính là niềm tin. Nhờ có niềm tin mà nhân dân đã chấp hành nghiêm chỉ thị của Chính phủ. Cho nên, đằng sau những nhận xét đánh giá ấy, cái được lớn nhất chúng ta nhận ra là người dân Việt Nam đã đặt niềm tin vào Đảng, Chính phủ trong việc đối phó với đại dịch. Và một khi đã có đủ niềm tin chân chính của nhân dân, thì sẽ tạo ra một sức mạnh đủ sức đối phó với khó khăn, thách thức. Chỉ có sự liên kết mật thiết giữa chính phủ và công dân, chỉ có đồng lòng, sát cánh, ủng hộ và tin tưởng mới có thể vượt qua được một thảm họa lớn đến thế.
Vì sao lại có được niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân ở vào thời kỳ đã xuất hiện không ít sự phân tâm trong xã hội? Đó là một câu hỏi mang tính lịch sử, như đã từng xuất hiện trong lịch sử, rằng niềm tin tuyệt đối chỉ xuất hiện khi nào đặt quyền lợi nhân dân, lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên hết thảy.
Đánh giá của quốc tế đối với Việt Nam có thể khiến chúng ta tự hào. Nhưng điều đó phải trở thành một bài học lịch sử hơn là một tâm thế chủ quan, tự mãn. Bài học ấy không chỉ dừng lại khi nỗi lo âu về dịch bệnh về cơ bản đã qua đi được phần nào mà phải trở thành kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn phục hồi kinh tế và chiến lược phát triển bền vững trong tương lai. Chúng ta thử soi bài học về niềm tin ở tất cả các vấn đề xã hội hiện nay sẽ thấy. Vì sao ở nhiều việc chúng ta không có đủ niềm tin của nhân dân như khi chống dịch? Nhân dân nhìn vào việc lựa chọn cán bộ đã thấy đủ niềm tin hay chưa? Nhân dân nhìn vào hành xử của cán bộ có hoàn toàn tin tưởng hay không? Những câu hỏi ấy, không khó để tìm câu trả lời. Chỉ nói riêng về công tác cán bộ, vấn đề đang rất nóng hiện nay thì nhân dân chỉ có đủ niềm tin và sự đồng lòng khi nào cán bộ thực sự “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
Niềm tin của nhân dân không phải là một khái niệm mơ hồ, những phương pháp khảo sát ngày nay cho thấy những kết quả hết sức cụ thể dựa trên những tiêu chí cụ thể. Việt Nam đứng đầu thế giới trong việc ứng phó thành công với đại dịch Covid-19 là nhờ quyết tâm đặt tính mạng và sức khỏe người dân lên cao nhất, và nhờ thế mà được nhân dân đồng lòng tin tưởng.