Bệnh viêm mũi do các loại vi khuẩn và vi sinh vật sinh sôi phát triển dưới những lớp vảy, gây triệu chứng tắc trong mũi, niêm mạc khô, không chảy nước, đóng vảy, mất khứu giác.
Theo Sức khỏe đời sống, đông y gọi là “tị cả” (mũi khô) là một loại bệnh viêm mũi mạn tính. Biểu hiện của bệnh là niêm mạc mũi bị teo lại, phần dưới xương lá mía bị thu hẹp, hốc mũi nở rộng, đóng nhiều vảy xanh.
Các loại vi khuẩn và vi sinh vật sinh sôi phát triển dưới những lớp vảy, gây triệu chứng tắc trong mũi, cảm thấy mũi khô nóng, sụn giáp mũi bị teo nhỏ, niêm mạc khô, không chảy nước, đóng vảy, mất khứu giác. ThS. Lê Thị Hương giới thiệu một số cách điều trị bệnh viêm mũi mạn tính:
Bài 1: đương quy vĩ 15 g, xích thược 15 g, sinh địa 15 g, tử đan sâm 15 g, hoàng kỳ 15 g, đảng sâm 15 g, huyền sâm 20 g, tử xuyên khung 10 g, mạch môn đông (củ tóc tiên) 10 g, thảo quyết minh 10 g. Mỗi ngày 1 thang sắc uống.
Bài 2: mạch môn đông 15 g, sinh địa 15 g, huyền sâm 15 g, bà diệp 15 g, thạch hộc (lan hoàng thảo) 15 g, hoa hồng 15 g, đào nhân 10 g, mỗi ngày 1 thang sắc uống.
Bài 3: sa sâm 15 g, mạch môn đông 15 g, tang diệp 15 g, hoàng cầm 15 g, thương nhĩ tử 15 g, kim ngân hoa 15 g, bạch chỉ 10 g, xuyên khung 10 g, bạc hà 10 g, phòng phong 10 g, thạch cao 20 g, liên kiều 20 g, đàm phàn (phèn chua phi) 12 g, hoắc hương 10g, hạnh nhân 10 g, rau diếp cá 20 g, sắc nước uống.
Bài 4: cát cánh 10 g, hoàng cầm 10 g, thiên hoa phấn (rễ cây qua lâu) 10 g, chiết bối mẫu 10 g, 1 cành hoa thất diệp, thương nhĩ tử 10 g, kim ngân hoa 12 g, cam thảo 6 g, ngày 1 thang sắc uống.
Bài 5: sa sâm 20 g, mạch môn đông 20 g, thiên hoa phấn (bột qua lâu) 20 g, hồng hoa 12 g, phục linh 12 g, cát cánh 10 g, ô mai 30 g. Sắc nước uống, giúp ra mồ hôi giải nhiệt làm nhẹ người, trị viêm mũi teo do âm hư.
Bài 6: thược dược 6 g, mạch môn đông 6 g, thạch hộc 3 g, đan bì 10 g, phục linh 10 g, hoàng cầm 10 g, sinh địa 10 g, bạch tật lê 15 g, thương nhĩ tử 6 g, sắc nước uống, trị viêm mũi.
Bài 7: nam sa sâm 15 g, thạch cao sống 15-30 g, thạch hộc 15 g, hoàng cúc hoa 10 g, hoàng cầm 10 g, tang bạch bì 12 g, sắc nước uống, ngày 1 thang chia 2 lần.
Bài 8: rễ cây mướp, sắc nước uống hoặc nấu canh thịt nạc, trị chứng viêm mũi teo.
Bài 9: sinh địa 15 g, huyền sâm 15 g, mạch môn đông 15 g, bạch thược 15 g, đan bì 10 g, bạch chỉ 10 g, bạc hà 5 g, chiết bối 5 g, tân di (mộc lan) 5 g, cam thảo 5 g.
Sắc nước uống ngày 1 thang, trong 5 ngày, nghỉ 5 ngày uống tiếp một đợt khác.
6 mẹo dân gian giúp trị viêm xoang hiệu quả
1. Gừng: Gừng có chứa chất chống viêm. Tinh dầu gừng còn làm giãn mạch vùng mũi họng, làm chảy dịch mũi và đẩy dịch xoang ra ngoài. Gừng cũng có đặc tính giảm đau giúp chữa lành xoang và đau đầu gây ra do viêm xoang. Bạn có thể tự làm trà gừng để uống hàng ngày, nhai gừng tươi hoặc dùng gừng làm gia vị chế biến nhiều món ăn.
2. Dứa: Một trong những thực phẩm tốt nhất cho người bị viêm xoang là dứa. Loại quả này chứa chất bromelain có đặc tính kháng viêm, làm tan đờm, tan mủ và chất nhầy, giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
3. Giấm táo: Trong giấm táo có chứa kali, giúp giảm việc tạo chất nhầy. Để giúp cải thiện tình hình, bạn có thể lấy giấm táo pha với nước theo tỷ lệ 1:1, đun nóng rồi xông mũi. Biện pháp này giúp chất nhầy loãng ra và chảy ra ngoài, làm tình trạng viêm xoang và nghẹt mũi giảm bớt. Ngoài ra, bạn có thể chọn phương pháp pha hai thìa súp giấm táo với một thìa súp mật ong vào ly nước ấm rồi uống 2-3 lần/ngày, uống trong vài ngày.
4. Sữa chua: Đây là loại thực phẩm rất tốt cho người bị viêm xoang. Sữa chua dồi dào axit lactic và vitamin C, tạo ra độ axit hóa dịch nhầy và làm ức chế vi khuẩn. Mặt khác, vitamin C cùng với lượng axit amin dưới dạng dễ hấp thu có thể tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Do đó, sữa chua sẽ giúp bạn giảm nguy cơ viêm xoang.
5. Nghệ: Nhờ một hợp chất có tên là curcumin, nghệ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt có lợi cho người bị viêm xoang. Curcumin giúp chữa lành các xoang và tốt cho đường hô hấp. Thêm nữa, chất curcumin còn có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm, giảm sưng nên loại củ này được xem là một trong những phương pháp chữa trị tự nhiên và hữu hiệu đối với nhiều bệnh viêm khác nhau, ví dụ như viêm khớp, viêm dạ dày và cả bệnh viêm xoang.
Bạn có thể lấy nghệ trộn với mật ong nguyên chất theo tỉ lệ 1:1. Mỗi lần dùng ½ thìa cà phê ngậm trong cổ họng khoảng 15 phút cho hỗn hợp phân tán đều trong vùng họng và trôi xuống dạ dày. Mỗi ngày thực hiện 4-5 lần.
6. Tỏi: Tỏi chứa allicin, chất có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Ngoài việc ăn tỏi tươi, bạn có thể đun 2-3 tép tỏi với một cốc nước hoặc trộn với 1/2 thìa cà phê bột nghệ uống hàng ngày cho đến khi bệnh cải thiện.
Ngoài thuốc và thực phẩm, bạn cũng nên thay đổi lối sống để viêm xoang bị đẩy lùi hẳn: Uống nước ấm vào ngày lạnh để mở rộng các xoang và giảm viêm. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý sau khi đi làm về. Uống một tách trà bạc hà vào buổi sáng để làm thông mũi. Nếu viêm xoang tiết dịch quá nhiều, bạn nên ngửi dầu gió để giảm nghẹt mũi.