Bám trường, bám lớp để 'gieo chữ'

Tùng Lâm 01/11/2022 06:58

Ở các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao của huyện Krông Bông (Đắk Lắk) hiện có hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các bậc học từ nơi khác đến giảng dạy, nhiều nhất là ở bậc tiểu học. Các thầy cô luôn khắc phục khó khăn để bám trường, bám lớp, “gieo chữ” cho trẻ em vùng sâu.

Một giờ học của cô trò Trường Tiểu học Yang Hăn (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).

Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) cách trung tâm huyện Krông Bông gần 50km. Trường có 1.037 học sinh, đa số là người dân tộc Mông. Với 50 cán bộ, giáo viên của trường thì có đến 40 thầy cô ở xa. 31 người do nhà ở quá xa, không thể về trong ngày phải ở lại nội trú, trong khi nhà trường hiện chỉ có 10 phòng ở do nhóm thiện nguyện xây tặng. Những thầy cô có gia đình, con nhỏ được ưu tiên ở riêng 1 phòng, còn lại mỗi phòng có từ 3 đến 4 người ở. Ông Trương Văn Thành - giáo viên Trường Tiểu học Yang Hăn chia sẻ: “Từ nhà xuống trường hơn 40km. Nhiều đoạn đường đã xuống cấp đi lại rất vất vả nên các thầy cô sắp xếp ở lại cuối tuần mới về để đảm bảo sức khỏe giảng dạy tốt hơn”.

Tương tự, Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao) có 34 giáo viên thì chỉ có 13 thầy cô nhà gần trường, còn lại chủ yếu là ở xa. Ông Vũ Đình Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Mao cho biết: “Nhà trường không có nhà ở công vụ nên những cô giáo ở xa phải thuê nhà dân để ở. Điều kiện sinh hoạt rất nhiều khó khăn. Tuy vậy nhưng thầy cô vẫn luôn nỗ lực bám trường, bám lớp, tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường và cấp trên tổ chức. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy cô luôn bám buôn để hướng dẫn, giao bài từng nhà cho các em học sinh”.

Trong số những thầy cô đi về hàng ngày thì có những người nhà cách xa trường hàng chục kilomet. Bà Du H Thủy - giáo viên hợp đồng đã gắn bó với Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) hơn 6 năm có nhà ở thị trấn Krông Kmar, cách trường 45km. Chồng bà làm thợ điện, hai con còn nhỏ không có người trông coi, nên bà Thủy phải cố gắng đi về trong ngày để chăm sóc con. Bà Thủy chia sẻ: “Mỗi ngày với đoạn đường cả đi lẫn về từ nhà đến trường gần 100km. 4 giờ sáng đã phải thức dậy lo cho các con xong, gửi ông bà ngoại trông giúp rồi xuống trường. Nhiều đoạn đường xuống trường đã hư hỏng nên đi lại rất khó khăn. Nhiều hôm xe bị hỏng dọc đường phải dắt bộ, có hôm bị ngã xe xước hết mặt mày, chân tay. Tuy vất vả, đồng lương của giáo viên hợp đồng ít ỏi nhưng khi đến lớp, thấy các em được học hành, ngoan ngoãn thì bản thân như có thêm động lực để luôn cố gắng bám trụ dạy dỗ các em thật tốt”.

Ông Phùng Anh Tuấn - giáo viên Trường Tiểu học Nhân Giang (xã Yang Mao) mỗi ngày cũng phải đi xe máy với quãng đường 100km. Thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Tuấn vẫn đều đặn xuống trường, đi từng nhà hướng dẫn giao bài cho học sinh vì phần lớn học sinh là người dân tộc Ê Đê không có thiết bị học trực tuyến. Dù đường xa nhưng ông luôn đến đúng giờ, không bao giờ trễ tiết hay nghỉ dạy.

Điểm trường Ea Rớt cách điểm chính của trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) gần 20km đường đất đồi dốc. Điểm trường này có 7 lớp, gần 200 học sinh người dân tộc Mông. Việc đi lại điểm trường gặp rất nhiều khó khăn vì phải đi qua nhiều đèo, dốc, khe suối. Bà Lương Thị Tưới - giáo viên dạy ở điểm trường Ea Rớt chia sẻ: “Nhà cách trường hơn 20km. Vào mùa khô thì thầy cô dạy trong điểm trường cố gắng vượt đèo để đi về mỗi ngày, còn mùa mưa thì phải ở lại. Vào mùa mưa việc đi lại thực sự là nỗi ám ảnh của thầy cô. Nếu mưa nhỏ thì xe máy phải cuốn xích vào bánh xe mới đi được. Nếu mưa to, nước ngập thì chỉ có cách là đi bộ”.

Dù trong hoàn cảnh nào, những thầy cô ở các trường vùng sâu của huyện Krông Bông vẫn đang từng ngày nỗ lực khắc phục khó khăn, vất vả để gắn bó với các em học sinh vùng sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bám trường, bám lớp để 'gieo chữ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO