Dư luận xã hội mấy ngày qua không ngớt xôn xao về việc Sở Tư pháp tỉnh An Giang đã bán đấu giá được một mỏ cát trên địa bàn với giá “khủng” hơn 2.000 tỷ đồng.
Làm sao có thể không ngạc nhiên, khi mà lâu nay tài nguyên cát ở nhiều tỉnh, thành phố bị các đối tượng cát tặc khai thác làm giàu cá nhân, nhưng nay lại bán được cả nghìn tỷ đồng?
Câu chuyện tỉnh An Giang bán đấu giá hai mỏ cát, một mỏ có giá hơn 200 tỷ đồng và một mỏ hơn 2.000 tỷ đồng nói lên được nhiều điều. Thứ nhất, tài nguyên khoáng sản cát đã được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương coi trọng và khai thác triệt để nguồn lợi này. Thứ hai, khi cát đã có “chủ”, cát tặc sẽ không dám ngang nhiên lộng hành.
Nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng thu được từ việc bán mỏ cát trên sông Tiền khỏi nói cũng biết sẽ giúp ích được rất nhiều trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Hàng nghìn tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ dành để đầu tư xây dựng những cây cầu, đường sá, bệnh viện, trường học...
Việc tỉnh An Giang bán đấu giá cát thành công không chỉ “được” về mặt kinh tế, mà còn giúp ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, tránh việc phải đầu tư nguồn lực (nhân lực, vật lực) để răn đe, trấn áp các đối tượng khai thác cát trái phép. Khi cát đã là sở hữu tư nhân (trong thời gian cấp phép) thì không ai có thể nhòm ngó và lấy trộm.
Nhất tiễn song điêu, chỉ một quyết định đúng đắn, đấu giá thành công các mỏ cát, An Giang đã tự giành cho mình “thắng lợi kép”, còn gì vui hơn? Vừa rủng rỉnh tiền tiêu, không phải kêu khó để xin Trung ương, vừa rảnh tay tập trung làm những việc khác, không phải suy nghĩ, họp bàn làm sao để ngăn chặn cát tặc. Thật đúng là song hỷ lâm môn.
Chỉ là tài nguyên cát thôi, nhưng dưới tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương, An Giang đã cho các tỉnh, thành phố khác một gợi ý thiết thực, đáng để học tập. Nếu tất cả các tài nguyên khoáng sản, nói rộng ra là tất cả nguồn lực công sản đều được An Giang tận dụng tối đa như với các mỏ cát, tin rằng địa phương này sẽ bứt phá trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.
Lâu nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đang hết sức đau đầu với bài toán nan giải mà chưa có đáp án: Vấn nạn cát tặc. Nhiều địa phương đã phải mất rất nhiều thời gian họp hành, bàn thảo, đầu tư nhân lực, vật lực để chống lại vấn nạn cát tặc nhưng vẫn không thành công. Nhiều người bi quan cho rằng chống cát tặc như đánh nhau với cối xay gió, bắt cóc bỏ đĩa.
Cũng phải thôi, bởi khi tài nguyên cát là của Nhà nước, chẳng của riêng ai thì làm gì họ phải cố công giữ gìn, bảo vệ. Chẳng phải các cụ vẫn có câu “cha chung không ai khóc, lắm sãi không ai đóng cửa chùa” đó sao? Đó là còn chưa kể một số cá nhân cán bộ, công chức, viên chức còn vì cái lợi riêng để rồi cấu kết, bảo kê, tiếp tay cho cát tặc.
Nay, nếu các tỉnh, thành phố học hỏi theo cách làm sáng tạo của tỉnh An Giang, đấu giá các mỏ cát (dù nhiều hay ít), vừa tạo thêm nguồn thu cho địa phương, vừa tư nhân hóa tài nguyên cát (trong thời hạn cấp phép khi trúng đấu giá) để không phải lo vấn nạn cát tặc. Một mũi tên trúng liền hai con chim, chỉ có được mà không có mất, tại sao không?