Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức bài tập luyện đổ bộ lớn vào thời điểm cuối tuần qua với giả định đổ bộ vào các cơ sở phòng thủ của CHDCND Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng nhanh chóng sau hàng loạt các lời cáo buộc qua lại và phản ứng giữa hai miền Triều Tiên.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn biến căng thẳng
trong bối cảnh Mỹ-Hàn tập trận chung thường niên. (Nguồn: AP).
Bài tập trận đổ bộ và tấn công được tổ chức trên bờ biển phía Đông của Hàn Quốc là một phần của các cuộc tập trận chung thường niên kéo dài 8 tuần giữa nước này và Mỹ. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên cực lực lên án các cuộc tập trận này là “động thái chiến tranh hạt nhân” và đe dọa sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công tổng lực.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã bị đẩy lên mức cao kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hồi tháng Một, nối tiếp sau đó là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa. Hàng loạt các vụ thử liên tiếp đã khiến Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt loạt lệnh trừng phạt mới, được cho là khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.
Nội dung tập trận Mỹ-Hàn cuối tuần qua có sự tham dự của 55 máy bay hải quân Mỹ, và 30 tàu chiến của cả hai bên, trong đó gồm các chiến hạm USS Bonhomme Richard và USS Boxer - có mang phi cơ tấn công AV-8B Harrier - cùng máy bay V-22 Osprey, tất cả đều tham gia vào một cuộc tấn công giả định vào các bờ biển gần thành phố Pohang.
“Họ sẽ xâm nhập vào các cơ sở phòng thủ bờ biển của kẻ địch, thiết lập một trạm phòng thủ, và nhanh chóng triển khai lực lượng ra biển” - Lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc nói trong một tuyên bố trước khi tham gia nội dung tập trận này.
Về phần mình, Triều Tiên nói rằng họ đã chuẩn bị đáp trả lực lượng Mỹ và Hàn Quốc “bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng có độ chính xác cao theo kiểu Triều Tiên”.
“Lực lượng vũ trang của DPRK đang giữ chắc vũ khí trên tay để sẵn sàng tiêu diệt kẻ địch, và đang chờ đợi chỉ huy tối cao ra chỉ thị triển khai một cuộc tấn công phủ đầu” - Hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên, KCNA, cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện có liên quan cũng khiến cho tình hình căng thẳng gia tăng. CNN hôm 12-3 cho hay, Triều Tiên hiện đang tìm kiếm một trong số các tàu ngầm của họ bị mất tích nhiều ngày qua ở vùng biển phía Đông nước này. Hãng tin dẫn lời giới chức Mỹ chuyên kiểm soát các động thái của Triều Tiên, nói rằng chiếc tàu ngầm này có thể đã bị cuốn trôi hoặc đã bị chìm do mắc phải một lỗi kỹ thuật nào đó.
Triều Tiên từng tuyên bố rằng họ đang phát triển các loại tên lửa đạn đạo có thể bắn đi từ tàu ngầm, cho dù còn nhiều ý kiến nghi ngờ về điều đó sau khi giới chuyên gia phương Tây công khai nói rằng các bằng chứng về các cuộc thử nghiệm trước đây của Bình Nhưỡng chỉ là giả.
Tuần trước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới xem quân đội nước này khai hỏa 2 tên lửa đạn đọa tầm ngắn ra phía biển. Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng cũng từng tổ chức một số cuộc tập trận mà trong đó tuyên bố rằng có sự tham gia của các dàn phóng rocket mới được chế tạo.
Ông Kim cũng đã ra chỉ thị cho quân đội Triều Tiên tiếp tục cải thiện khả năng tấn công hạt nhân bằng cách triển khai thêm nhiều cuộc thử nghiệm trong thời gian tới. Đây là động thái được cho là phản ứng lại với một nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua mới đây, trong đó áp đặt lớp lệnh trừng phạt mới đối với nước này.
Thêm vào đó, lãnh đạo Kim Jong-un cũng tuyên bố rằng, đất nước ông đã thành công trong việc chế tạo các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, vừa đủ để lắp trên các tên lửa đạn đạo mà họ đang sở hữu, dù cho chính phủ Mỹ và Hàn Quốc thể hiện sự ngờ vực cũng như lo ngại.
Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi trong ngày 13/3, Triều Tiên đã phán pháo lại cáo buộc mà phía Hàn Quốc đưa ra trước đó, trong đó cho rằng Bình Nhưỡng đã triển khai một loạt các vụ tấn công mạng nhằm vào các quan chức chính phủ của họ.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) trước đó cáo buộc phía Triều Tiên đã tấn công vào điện thoại di động của hàng loạt các quan chức cấp cao của họ, đánh cắp số điện thoại và các đoạn tin nhắn trong đó. Trước đó, NIS còn cho hay, các hacker của Triều Tiên đã gửi các bức thư điện tử đến các cơ quan quản lý đường sắt Hàn Quốc, nói rằng đang chuẩn bị nhằm vào hệ thống kiểm soát giao thông.
Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên sau đó đã bác bỏ mọi cáo buộc trên, cho rằng, chúng là các thông tin giả mạo mà Seoul tung ra nhằm tranh thủ sự ủng hộ để thông qua một bộ luật gây tranh cãi về do thám.