Kinh tế

Bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng là đi ngược nguyên tắc thị trường

XUÂN DUNG 05/05/2024 11:17

Câu chuyện "người dân được quyền bán điện mặt trời cho ngành điện với giá… 0 đồng" đang được nhiều người quan tâm, và các chuyên gia nêu ý kiến phản biện.

anh-bai-nho-tr7.jpg
Nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, một lần nữa câu chuyện người dân lắp thiết bị để sản xuất điện mặt trời lại trở thành vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm khi Bộ Công Thương ban hành dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất nếu loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Trường hợp nối lưới, người dân được quyền phát hoặc không phát sản lượng dư vào hệ thống nhưng thanh toán 0 đồng. Tổng công suất theo hình thức này không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Các quy định trên được một số chuyên gia đánh giá là chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời bởi không được bán hoặc bán giá 0 đồng sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế.

Tuy vậy, theo quan điểm của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) là thận trọng trong phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo cơ quan điều tiết, nguồn năng lượng này chỉ nên ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại chỗ, không nên khuyến khích, thậm chí hạn chế phát vào hệ thống.

"Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng hệ thống, gây ra những phí tổn không cần thiết", cơ quan này cho biết. "Sở dĩ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phát điện lên lưới quốc gia sẽ có giá 0 đồng là bởi Nhà nước muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời mái nhà để đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia".

Như vậy, có thể hiểu, vì muốn “an toàn trong quản lý điện” nên mới đưa ra “điều khoản” mà người dân và nhiều chuyên gia cho rằng đó là “điều khoản kỳ khôi”.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là "không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường".

Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), thẳng thắn: "Chúng ta đang từng bước xây dựng thị trường mua bán điện. Trong mua bán phải có trả tiền. Thà không cho đấu lưới, không nhận nguồn của nhà đầu tư thì thôi. Còn nhận nguồn, mang đi bán, sao trả cho nhà đầu tư 0 đồng?".

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm: Thực tế nguồn điện mặt trời được phát lên lưới, không bị mất đi mà EVN mang đi bán có thu tiền, nên ít nhiều phải trả cho nhà sản xuất nguồn. Nguồn đang thiếu, nếu có nguồn điện từ đầu tư tư nhân là quá tốt. Hoặc lý giải phát lên lưới kỹ thuật không cho phép vậy tại sao cho phát lên và ghi nhận trả 0 đồng? Còn câu chuyện kỹ thuật là việc của EVN và Bộ Công Thương, không phải việc của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu cảm thấy phiền phức hoặc hệ thống chưa đáp ứng được khi phát triển ồ ạt điện mặt trời của các hộ gia đình thì không nên mua, còn đã mua thì phải “chốt” ở giá nào đó, chứ không thể với mức 0 đồng.

Theo tính toán, một hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà ở nhà dân công suất 5 kW, tích hợp thiết bị lưu trữ 5 kWh có chi phí khoảng 80-90 triệu đồng. Nếu đầu tư pin lưu trữ 10 kWh, tổng chi phí 100-120 triệu đồng. Các thiết bị có thời gian bảo hành từ 5-12 năm, tùy loại.

Hệ thống này có thể giúp một hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 450-500 kWh mỗi tháng với bức xạ của miền Bắc. Tương ứng, với số tiền tiết kiệm được 800.000 đồng đến 1 triệu đồng một tháng, thời gian hoàn vốn khoảng 7-10 năm.

Theo thống kê, hiện, các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc khoảng 6%, Hà Nội chưa tới 0,4%. Công suất chủ yếu tập trung ở miền Nam, Trung (chiếm gần 90%). Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng 17%.

Chuyên gia năng lượng Lã Hồng Kỳ đánh giá việc thu hồi vốn với khu vực miền Bắc sẽ khó khăn nên chủ đầu tư không mặn mà. Bởi, đặc điểm khí hậu ở đây chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng chênh lệch khá lớn nên khó tính toán công suất nối lưới tự dùng.

"Do đó, cần có cơ chế để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại một phần điện dư thừa", ông Kỳ đề xuất và cho rằng cơ chế này sẽ khuyến khích đầu tư, giúp phát triển hài hòa nguồn năng lượng này giữa các vùng miền, địa phương.

Trường hợp không bán cho EVN, ông Nguyễn Quốc Việt đề xuất người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho hay, việc bán điện cho "hàng xóm" được các nước triển khai khá đơn giản qua đường dây riêng. Ở Việt Nam, ông đề xuất cho mua bán qua lưới và EVN có thể thu thêm phí quản lý đường dây.

Cơ chế này cũng được các chuyên gia cho rằng cần với doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp, khu chế xuất khi nhu cầu dùng năng lượng sạch dự báo tăng mạnh thời gian tới. "Với các doanh nghiệp này, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí", ông Việt nói.

Tuy nhiên, theo ông Lã Hồng Kỳ, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các thành phần như tấm pin, thiết bị lưu trữ, ắc quy. Điều này dẫn đến chất lượng các hệ thống chưa được kiểm soát chặt, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn, phòng cháy chữa cháy, ổn định chất lượng điện năng.

Việc đấu nối lưới để mua bán có thể gây mất an toàn cho lưới, do đó, giới chuyên môn cho rằng cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về thiết bị, phòng cháy chữa cháy, quy trình nghiệm thu, kiểm tra bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng là đi ngược nguyên tắc thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO