Chiều 23/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành bàn giải pháp thúc đẩy, nâng cao giá trị xuất khẩu trà.
Tỉnh Thái Nguyên trong tốp đầu cả nước về sản xuất chè với tổng diện tích hơn 22.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 270.000 tấn, sản lượng trà qua chế biến đạt trên 53.500 tấn/năm. Năm 2023, toàn tỉnh có 5.148 ha được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 151 sản phẩm chè được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao.
Hiện nay, giá trà Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn so với các vùng chè khác trong cả nước, trung bình từ 300.000 đồng/kg (trà móc câu) đến 5 triệu đồng/kg (trà đinh). Có sản phẩm trà đinh được bán với giá từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/kg thành phẩm.
Nhiều công ty, hợp tác xã chè đã thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ; đồng thời phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, chè Thái Nguyên chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước, chưa có nhiều thị trường xuất khẩu. Sản lượng và giá trị xuất khẩu chè còn thấp, năm 2023 ước đạt 1,9 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu sang các nước như: Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ, Indonesia, Iran… trong đó Pakistan chiếm thị phần lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đề nghị cần thống nhất trong đa dạng các sản phẩm trà Thái Nguyên, thực hiện chuẩn hóa nguyên liệu, vùng trồng; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc, chế biến; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn quy định của quốc tế.
Ông Nguyễn Huy Dũng cũng đề nghị cần mở rộng quy mô, tìm hiểu thị trường tiêu thụ trà Thái Nguyên trên thế giới để tạo dư địa xuất khẩu mạnh hơn nữa, đặc biệt là các thị trường nhiều tiềm năng, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nổi tiếng nhất của tỉnh.