Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến đã trình bày Tờ trình, cho rằng việc ban hành văn bản quy định cụ thể về các chi phí tố tụng là phù hợp và cần thiết.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Việc ban hành Pháp lệnh nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), Điều 370 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) về chi phí tố tụng.
Liên quan đến 13 loại chi phí được quy định trong dự thảo Pháp lệnh, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại, chưa chắc đã bao quát hết tất cả những chi phí tố tụng trong thực tiễn. Từ đó bà Thanh đề nghị sửa lại theo hướng Pháp lệnh chỉ điều chỉnh một số chi phí tố tụng chứ không phải tất cả các chi phí tố tụng để đảm bảo dự lường được những chi phí mà chưa thể đưa được vào trong dự án Pháp lệnh này. Quy định như vậy sẽ thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện của các cơ quan được giao nhiệm vụ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Pháp lệnh 02 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được ban hành năm 2012. Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015. Như vậy, Pháp lệnh 02 được ban hành trước Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Pháp lệnh 02 quy định rõ về 4 loại chi phí, đồng thời có nguyên tắc là các chi phí được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan. Pháp lệnh 02 cũng nói rõ phạm vi nhưng không phải là tất cả chi phí tố tụng. Do đó cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng nội dung của pháp lệnh này.
“Tại sao Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi phí về tố tụng nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự thì lại không giao? Kinh nghiệm quốc tế thì chi phí tố tụng hình sự là do Nhà nước bảo đảm bởi Nhà nước là chủ thể duy nhất có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh cá nhân, pháp nhân là có tội, và Nhà nước bảo đảm ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết về: việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cả 2 Nghị quyết được thông qua với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.