Giám đốc điều hành EuroCham khẳng định, có khoảng 85% doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề định trị giá hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu. Lý do có ít nhất 25% lô hàng được xác định lại trị giá hải quan trong quá trình nhập khẩu và giá trị chênh lệch thường ở mức dưới 30%.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị đối thoại giữa Cục Hải quan TP HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức, ngày 30/8.
Ảnh minh họa.
Tại buổi đối thoại nhiều câu hỏi lo ngại về việc định lại trị giá hàng hóa để tính thuế. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho rằng, cách định lại trị giá hàng hóa của Hải quan chưa thật sự rõ ràng. Bà Almut Roessner – Giám đốc điều hành EuroCham thông tin, nhằm hiểu được vướng mắc và tìm cách tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, vừa qua EuroCham tiến hành khảo sát doanh nghiệp về cách tính trị giá hải quan.
Theo đó, có 141 công ty vận tải, hậu cần, sản xuất,… tham gia khảo sát về cách tính lại trị giá hải quan. Kết quả cho thấy, có ít nhất 25% lô hàng của gần 70% doanh nghiệp bị định trị giá lại hàng hóa trong quá trình xuất nhập khẩu; hơn 10% doanh nghiệp có 51 – 100% lô hàng bị định lại trị giá.
Về giá trị chênh lệch sau khi xác định lại, đa phần trị giá hải quan xác định lại cao hơn 20% so với trị giá ban đầu và có khoảng 20% có trị giá xác định lại cao hơn 21 – 50%.
Thậm chí, nhiêu lô hàng mẫu, hàng tham dự hội chợ, triển lãm cũng bị định giá lại để tính thuế. Điều này gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp cho rằng, đa phần các trường hợp, doanh nghiệp phải xác định lại trị giá hải quan không rõ lý do.
Trả lời băn khoăn của doanh nghiệp châu Âu, ông Trần Quốc Toản – Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP HCM) thừa nhận, qua thông tin khảo sát của EuroCham cho thấy doanh nghiệp rất bức xúc về cách xác định trị giá tính thuế. Theo Hải quan TP HCM, số tờ khai phải xác định lại trị giá tính thuế tại hải quan chỉ chiếm khoảng 2 – 3%. Còn tỷ lệ 25% mà EuroCham đưa ra chắc là hàng biếu tặng, hàng phi mậu dịch.
Theo Cục Hải quan thành phố, thường thì hàng phải xác định lại trị giá tính thuế khi phát hiện nghi vấn ban đầu với 6 phương pháp như: dựa vào giá trị giao dịch, giá trị xuất khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu, Bộ Công thương,…
Riêng việc sử dụng giá chào bán trên internet, trừ 80% không đúng quy định tại Thông tư 39. Cán bộ nào áp dụng cách tính trên cũng không đúng.
Liên quan đến thắc mắc vì áp lực thu ngân sách nên tăng cường tính thuế , ông Trần Quốc Toản khẳng định, hoàn toàn không có áp lực thu ngân sách để tăng cường tính thuế. Bởi vì ngân sách Nhà nước Việt Nam căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là thúc đẩy kinh tế phát triển thông qua sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Việc tăng cường kiểm soát giá tính thuế của cơ quan Hải quan cũng nhằm tạo điều kiện cạnh tranh công bằng và bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.
“Năm 2017, định mức thu ngân sách giao cho Hải quan TP HCM là 285 ngàn tỷ đồng, năm 2016 là 270 ngàn tỷ đồng. Vì vậy hoàn toàn không có chuyện bị áp lực thu ngân sách nên tăng trị giá tính thuế lên cao”, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng Cục Hải quan nhấn mạnh.
Hải quan TP HCM đang phấn đấu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư bằng cách tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa từ 108 giờ xuống còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu, giảm từ 138 giờ xuống còn 90 giờ đối với hàng nhập khẩu. |