2 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến mới đây nhận được nhiều luồng ý kiến từ giới chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng, điện đưa về một giá sẽ khó khuyến khích được tiết kiệm điện.
Theo 2 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, gồm: Phương án 1, ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh; ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá; trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Theo Bộ Công Thương, các phương án sửa đổi được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại chính biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng hiện nay.
Tuy nhiên, với đề xuất đưa giá bán lẻ điện trở về một bậc, nhiều ý kiến cho rằng, không khuyến khích được DN, người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm.
Phân tích sâu về câu chuyện giá điện, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm, mục đích cuối cùng của câu chuyện giá điện là hướng đến sự cân bằng lợi ích giữa các bên.
Theo ông Long, lâu nay, giá điện được chia ra nhiều bậc thang là để hướng đến việc đảm bảo an sinh xã hội, ưu tiên người nghèo, người thu nhập thấp.
“Nếu đưa về một bậc thì người nghèo và người giàu tiêu thụ điện đều phải trả chi phí như nhau. Như vậy là không công bằng với người nghèo, còn người giàu thì tha hồ sử dụng điện” - ông Long nói.
Việc chia ra bậc thang giá điện có bậc cao bậc thấp là để mức thấp nhất đảm bảo an sinh xã hội, người nghèo sử dụng ít điện sẽ chỉ trả 95% giá điện hiện hành. Còn bậc cao là để khuyến khích người dân, DN sử dụng điện một cách tiết kiệm. Do đó, đưa giá điện về một bậc vô hình chung không khuyến khích được các hộ tiêu tốn nhiều điện sử dụng tiết kiệm hơn.
Đứng ở vị trí của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, đưa ra phương án điện một giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn nhưng lại chỉ nhằm vào số ít, khoảng 20-30% với sử dụng lượng điện cao sẽ có lợi.
Đối với những hộ sử dụng lượng điện thấp (chiếm 70-80%) sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án này do áp dụng đồng giá.
Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, giá bán lẻ điện vẫn nên để các mức bậc thang, song có thể xem xét rút xuống 3 bậc thay vì 5 bậc như đề xuất của Bộ Công Thương.
Cụ thể, bậc 1 từ 1-100kWh dành cho người sử dụng ít điện, người nghèo, người thu nhập thấp, bậc 2 từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, và bậc ba là những đối tượng khách hàng sử dụng nhiều, từ 500 kWh.