Giáo dục

Băn khoăn học phí đại học năm sau cao hơn năm trước

Hàn Minh 16/11/2024 11:01

Năm học 2024-2025, học phí của nhiều trường đại học (ĐH) tiếp tục tăng. Nhiều ngành ở mức 60 đến hơn 80 triệu đồng/năm học, thậm chí có ngành hàng trăm triệu đồng.

bai chinh
Học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam) trải nghiệm một ngày làm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Cụ thể, trường có mức thu cao nhất là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - 250 triệu đồng/năm học với ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt, đào tạo bằng tiếng Anh. Mức thu thấp nhất thuộc về phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Lào Cai với 10,6 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Y dược TPHCM thông báo sinh viên khóa tuyển sinh năm 2020 trở về sau, mức học phí dao động từ 46 - 84,7 triệu đồng/năm học. Trong đó, Răng hàm mặt là ngành có mức học phí cao nhất, kế đến là Y khoa 82,2 triệu đồng. Sinh viên tuyển sinh khóa năm 2019 trở về trước, mức thu học phí chỉ từ 20 - 27,6 triệu đồng/năm học. Trường ĐH Luật TPHCM có mức học phí dao động từ 35,25 triệu đồng/năm tới mức 181 triệu đồng áp dụng cho chương trình chất lượng cao giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Cũng chênh lệch rõ nét là các chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo đặc biệt của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM thu 20,2 triệu đồng/học kỳ trong học phí ĐH chính quy khoảng 10,5 triệu đồng. Đây là mức thu ở năm thứ 2 trường thực hiện tự chủ tài chính. So với nhiều trường chưa tự chủ hoặc các ngành khó tuyển của trường đã tự chủ, đây là mức học phí cao, có thể bằng, gần bằng học phí cả năm học ở các trường khác như Trường ĐH Tài nguyên môi trường TPHCM, Trường ĐH Nông lâm TPHCM…

Nhìn chung, ngoài đặc thù về khối ngành đào tạo tác động đến mức học phí khác nhau, việc người học đăng ký hệ chất lượng cao, hệ liên kết hay hệ đại trà cũng ảnh hưởng lớn tới học phí trong suốt thời gian học. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia cảnh báo khi học sinh cân nhắc chọn trường ĐH phù hợp. Về phía trường cũng minh bạch thông tin năm học sau có thể thu mức học phí cao hơn năm học trước theo đúng quy định của Nghị định 97. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến người học không khỏi lo lắng, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ khó để chọn trường vừa phù hợp với điều kiện học phí, năng lưc, cơ hội phát triển…

Theo bà Huỳnh Thị Ánh Sương - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, không chỉ có sự chênh lệch rõ rệt về học phí giữa các hệ đào tạo, người học còn luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10 - 30%. Điều này là rào cản với con em gia đình khó khăn sẽ khó đáp ứng theo học ĐH 4-5 năm, nhất là với các ngành học phí cao mặc dù các em có năng lực học tập tốt. Mặc dù hiện nay, Nhà nước có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi cũng có chính sách học bổng nhưng số này rất ít.

Trước sự khó khăn về tài chính của số lượng lớn gia đình có con em học ĐH, nhiều ý kiến đề xuất về việc cần nâng mức tín dụng cho sinh viên vay hiện nay. Từ năm 2022, mức vay cho mỗi sinh viên được nâng lên 4 triệu đồng mỗi tháng, trong đó mỗi năm sinh viên được vay vốn trong 10 tháng và chia làm 2 đợt tương đương 2 kỳ học. Tuy nhiên, do học phí của các trường tăng hàng năm cùng với xu hướng tự chủ ĐH khiến mức học phí nhiều trường tương đối cao, mức vay đôi khi chỉ vừa đủ để đóng học phí.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân nhìn nhận, không nên quan niệm chỉ người nghèo mới đi vay vốn mà những sinh viên có nhu cầu vay vốn cho học tập cần phải được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Đây là sự đầu tư bình thường và cần khắc phục được tâm lý e ngại khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ về học phí từ phía người học. Bên cạnh việc tăng mức vốn vay, mở rộng đối tượng vay, GS Cường cũng nhấn mạnh nguồn lực của riêng nhà nước khó mà đáp ứng. Ông đề xuất ngân hàng chính sách cần liên kết với các doanh nghiệp, liên kết với các trường ĐH để đưa ra nhiều gói tín dụng hơn phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau.

PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận theo Luật Giáo dục ĐH, tự chủ ĐH không phải là tự lo về tài chính mà để các trường tăng thêm điều kiện đảm bảo chất lượng. Không phải trường ĐH tự chủ là cắt hết kinh phí, mà Nhà nước vẫn phải đầu tư cho phát triển, cho đảm bảo chất lượng đào tạo... Vì vậy, không thể để chi phí đào tạo tính hết vào học phí. Ngân sách nhà nước vẫn đầu tư vào giáo dục ĐH, học phí chỉ là phần đóng góp thêm của xã hội. Điều này sẽ đảm bảo học phí được tính đúng, tính đủ nhưng không dồn tất cả gánh nặng lên người học. Các trường cần thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về các nội dung hoạt động, trong đó có nội dung về học phí và sử dụng học phí. Điều này cần được các cơ quan chức năng, người dân và xã hội cùng giám sát, đảm bảo học phí tăng đi cùng chất lượng tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn học phí đại học năm sau cao hơn năm trước