Chỉ mới bước chân vào thị trường bán lẻ của Việt Nam chưa đầy hai năm, song Aeon Mall của Nhật Bản đã trở nên đáng gờm khi đã nắm trong tay 30% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart và 49% cổ phần chuỗi siêu thị Citimart. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản và Thái Lan, cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài dần “qua mặt” các doanh nghiệp bán lẻ Việt.
Thị trường bán lẻ nội vào đường đua.
Doanh nghiệp ngoại rầm rộ “đổ bộ”
Vào thị trường Việt Nam từ khoảng năm 2014, chưa đầy hai năm, Aeon Mall đã mở rộng thêm quy mô hoạt động tại những địa bàn trọng điểm của Việt Nam, một ở Bình Dương, một ở TP Hồ Chí Minh và gần đây nhất là Aeon Mall Long Biên tại Hà Nội.
Tiếp cận thị trường Việt Nam ngay cả khi phải đối diện với hàng loạt các nhà bán lẻ tiếng tăm như Lotte (Hàn Quốc), Big C (Pháp)… song, “đại gia” ngành bán lẻ đến từ Nhật Bản này không hề tỏ ra e ngại. Chia sẻ với báo giới khi việc quyết định thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ông Yukio Konishi Chủ tịch, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam đã khẳng định rằng: Ở Việt Nam hiện tại chắc chắn không có doanh nghiệp bán lẻ nào có thể so sánh được với Aeon.
Và trên thực tế, khi đi vào hoạt động, Aeon cũng đang minh chứng rằng, họ tiếp cận thị trường bán lẻ Việt Nam với những điều mới mẻ, khác biệt.
Sự khác biệt ở phong cách dịch vụ, chủng loại hàng hóa, sản phẩm… giúp cho Aeon Mall Việt Nam ngày càng ghi được những dấu ấn trên thị trường bán lẻ trong nước.
Ngoài hệ thống Aeon Mall, người Nhật còn thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng những chuỗi cửa hàng tiện lợi. Gần đây nhất, ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hayashi Motoo cùng 4 tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh. Đồng hành cùng họ là 16 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất rau củ quả, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, các sản phẩm nông nghiệp, thịt bò, thủy sản, văn phòng phẩm và mỹ phẩm, để khảo sát khả năng đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam.
Sự đổ bộ khá rầm rộ của các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng như hàng loạt những thương hiệu bán lẻ khác đến từ Thái Lan, Hàn Quốc… khiến dư luận không khỏi lo lắng về số phận của các nhà bán lẻ Việt ở ngay tại chính sân chơi của mình.
Doanh nghiệp Việt ở đâu?
Nhận định về những điểm mạnh mà nhà bán lẻ nước ngoài mang đến cho thị trường trong nước, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội các Siêu thị Hà Nội cho biết, điểm mà các DN Việt thua khá xa họ chính là ở phong cách, thái độ dịch vụ. “Tôi đi mua hàng ở siêu thị của họ, nhân viên siêu thị hướng dẫn tận tình, thái độ nhã nhặn, hàng hóa còn được họ xách ra tận cửa xe ô tô. Ở siêu thị ta chưa làm được điều đó” – ông Phú chia sẻ.
Đó còn chưa kể, mọi sản phẩm hàng hóa bán trong siêu thị của họ xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, trong khi đó, ở ta vẫn còn tình trạng trà trộn hàng hóa không rõ nguồn gốc, rau bẩn trộn lẫn rau sạch… Đó là một trong những điểm khác biệt khiến cho hàng hóa tại các siêu thị nước ngoài vẫn luôn được ưa chuộng hơn.
“Trông người lại ngẫm đến ta”, sự thâm nhập ồ ạt của các “đại gia” ngành bán lẻ khiến dư luận đặt câu hỏi: Các DN bán lẻ Việt Nam đứng ở đâu trước làn sóng ngoại nhập này?
Theo ông Vũ Vinh Phú, các nhà bán lẻ Việt Nam hiện nay phần lớn đã bị sáp nhập với nhà đầu tư ngoại. Đơn cử như Fivimart, Citimart... đều đã nhượng lại cổ phần. Hiện chỉ còn VinGroup, Coop Mart là vẫn còn vững chân trên thị trường.
Còn Hapro, dù vẫn đang tồn tại song đã co cụm lại và khá mờ mịt trước những “đại gia” ngoại quốc. Và nếu không có sự bứt phá, thay đổi trong phương thức quản lý, hoạt động, phong cách dịch vụ… thì việc các DN ngành bán lẻ Việt Nam bị làn sóng ngoại nhập nhấn chìm là điều khó tránh.
Bởi vậy, để có thể trụ vững và giữ được thế chủ động trên sân nhà, các DN ngành bán lẻ Việt Nam không còn con đường nào khác, buộc phải đổi mới, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạch định lại chiến lược nhằm nâng sức cạnh tranh.
Đặc biệt, đối với các DN đã liên doanh với các DN ngoại, lời khuyên của giới chuyên gia là, cần phải coi đây là cơ hội để đón nhận công nghệ cũng như phương thức kinh doanh từ các đối tác nước ngoài, từ đó nắm bắt những kinh nghiệm của họ để từng bước phát triển, không để mất thương hiệu.