Đó là vấn đề đang được đặt ra khi còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) thảo luận tại phiên họp 40 của TVQH . Dự luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là làm sao để tránh chồng chéo chức năng giữa Ban quản lý cảng và Cảng vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Cảng vụ là cơ quan quản lý nhà nước, cánh tay nối dài từ Cục Hàng hải xuống và đặt tại cảng. “Trong khi đó, sắp tới chúng ta áp dụng mô hình Ban quản lý khai thác cảng thì có cần Cảng vụ nữa hay không? Còn nếu vẫn duy trì mô hình Cảng vụ thì luật cần phải quy định như thế nào?”-Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, giữa chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý và khai thác cảng và Cảng vụ thì quy định trong Dự luật còn chưa rõ ràng. Ông Phúc phân tích: Cảng vụ hàng hải có chức năng, nhiệm vụ là cơ quan trực thuộc cơ quan nhà nước chuyên ngành hàng hải, có nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực được giao tức là cơ quan nhà nước về cảng biển. Tuy nhiên Ban quản lý cảng thì vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có chức năng kinh doanh, bản chất của cơ quan này là Ban quản lý khai thác hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
“Vậy đây 100% là doanh nghiệp chứ không phải quản lý nhà nước. Nếu quản lý nhà nước thì lại chồng chéo, bởi doanh nghiệp 100% vốn điều lệ lại làm quy hoạch. Do đó phải xem xét rành mạch quy định này để không vướng mắc khi áp dụng”-ông Phúc lo ngại.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cũng đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan hữu quan khác vì lo ngại sẽ có sự chồng chéo. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị cần làm rõ hơn mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan Trung ương, địa phương, và xác định nhiệm vụ pháp lý của nó.
Trả lời những thắc mắc kể trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với Cảng vụ. Có hay không có Ban quản lý khai thác cảng thì Cảng vụ vẫn tồn tại. Ban quản lý cảng có chức năng nhiệm vụ chính là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Còn Cảng vụ là quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép cho tàu ra, tàu vào cảng.
Theo Bộ trưởng Thăng, nếu áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng sẽ khắc phục được tồn tại là cùng một khu vực mà đầu tư dàn trải, manh mún, sự liên kết giữa các cảng không có, làm ăn không hiệu quả dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, việc thành lập chính quyền cảng hay Ban quản lý và khai thác cảng là vấn đề lớn nhất. Hiện nay việc khai thác chưa được như mong muốn nên Chính phủ muốn có một cơ chế mới để tạo ra sự đột phá trong khai thác. Còn cơ quan quản lý này với Cảng vụ là hai cơ quan khác nhau, có nghĩa là có Ban quản lý và khai thác cảng thì vẫn có Cảng vụ.