Mặc dù đã có các quy định về quyền tác giả âm nhạc và các quyền liên quan, tuy nhiên do vô tình và cả cố ý những sai phạm vẫn đang diễn ra trên không gian mạng, thậm chí là trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn.
Nhập nhèm hợp đồng
Mới đây, công ty ACV Entertaiment - chủ sở hữu độc quyền ca khúc “Ai chung tình được mãi” đã lên tiếng “tố” hàng loạt ca sĩ tự ý mang ca khúc đi biểu diễn nhưng không xin phép đơn vị sở hữu bản quyền âm nhạc.
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ phận Pháp chế - Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), về bài hát “Ai chung tình được mãi” của nhạc sĩ Đông Thiên Đức (tên thật Đặng Hữu Đức) là thành viên VCPMC theo hợp đồng ủy quyền ký ngày 25/09/2019 tại VCPMC gửi thông tin bài hát trên đến VCPMC, có lưu ý không thu tiền ở kênh ACV.
Tuy nhiên, thời gian qua phía doanh nghiệp tư nhân du lịch sản xuất băng từ Hoàng Tuấn (HT Production) đã thông báo là đơn vị đã ký kết hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc với VCPMC (phía Nam) cho ca khúc “Ai chung tình được mãi”.
Do đó, HT Production cho rằng Đan Trường trình diễn ca khúc này hoàn toàn là hợp lý. Ngoài ra, HT Production cung cấp cho các cơ quan truyền thông toàn bộ hợp đồng VCPMC cấp phép (chỉ che đi số tiền).
Tuy nhiên, thực tế thì HT Production có ký Hợp đồng với VCPMC biểu diễn ca khúc “Ai chung tình được mãi” theo hợp đồng số 764/2022/HĐQTGAN-PN_100, ký ngày 26/5/2022, hợp đồng này cấp quyền sử dụng bài “Ai chung tình được mãi” để biểu diễn tại tại sự kiện Hội chợ TM Thái Lan vào thời gian ngày 27/5/2022 tại số 21E KP Mỹ Tân – P.7 TP. Bến Tre và 8 địa điểm khác.
Do đó, trong trường hợp phía HT Production sử dụng ca khúc “Ai chung tình được mãi” ngoài phạm vi hợp đồng này mà chưa được sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (theo Điều 28 Luật SHTT).
Được biết sau sự việc trên ca sĩ Đan Trường đã gửi lời xin lỗi và gỡ ca bản cover “Ai chung tình được mãi” khỏi nền tảng mạng xã hội.
Cũng liên quan đến ca khúc “Ai chung tình được mãi”, mới đây ca sĩ Tùng Dương cũng đã bị tố vi phạm bản quyền khi trình trình diễn tác phẩm này tại liveshow “Hà Nội phố 2”.
Ca sĩ Lệ Quyên cũng mắc lỗi tương tự khi trình diễn ca khúc “Ai đó chung tình được mãi” trong các show ngày 29/4 tại Đà Lạt; ngày 30/4 tại Nha Trang và một sự kiện nhãn hàng ngày 14/5 mà hoàn toàn chưa được sự đồng ý của đơn vị chủ sở hữu độc quyền ca khúc ACV.
Không chỉ những vụ việc trên, thời gian qua theo phán ảnh của các quan báo chí đã có rất nhiều chương trình nghệ thuật đã có có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Theo thống kê của VCPMC hiện nay đang có hàng trăm chương trình biểu diễn đã, đang và sẽ được diễn ra nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Tạo môi trường minh bạch
Có thể nói câu chuyện vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc đang diễn ra “nhan nhản” tại thị trường âm nhạc của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phương thức xử lý, giải quyết đến nay vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đơn cử như tại sao lại có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật có hành vi xâm phạm quyền tác giả nhưng vẫn được tổ chức như vậy? Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả thuộc về ai? Ai là người có trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả? Nếu không thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả thì chương trình có được diễn ra hay không? Hậu quả của những hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật như thế nào?
Để tìm ra lời giải, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết một số nhạc sĩ cho rằng nguyên nhân chính là đa phần họ đều không nắm rõ quy trình đăng ký bản quyền các ca khúc. Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, anh không quá xem trọng việc đăng ký bản quyền vì muốn bất kỳ ai yêu thích ca khúc của mình đều có thể biểu diễn nó.
Hồ Hoài Anh cho rằng, không riêng cá nhân mà đa số nhạc sĩ khi tạo ra “đứa con tinh thần” của mình đều có mong muốn ca khúc được mọi người sử dụng một cách rộng rãi. Thế nhưng, bên cạnh đó thì cũng còn một số nghệ sĩ xem trọng vấn đề bản quyền vì vậy khi ca sĩ sử dụng ca khúc của họ mà không xin phép sẽ làm họ thấy bức xúc, khó chịu.
Còn theo nhạc sĩ An Hiếu nguồn cơn của việc nhan nhản trường hợp vi phạm bản quyền xuất phát từ việc chính các nhạc sĩ không quan tâm đến việc đăng ký bản quyền cho các ca khúc của mình. Các điều khoản không rõ ràng, chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trong các chương trình biểu diễn, nghệ thuật chỉ có biện pháp chế tài về xử phạt vi phạm hành chính nên tình trạng không xin phép bản quyền ngang nhiên tiếp diễn.
Về phía VCPMC cho rằng, để hạn chế các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật và giảm tải việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả cho các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cũng như giải quyết các vụ án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của các tòa án có thẩm quyền, VCPMC đề nghị bổ sung thêm quy định về việc hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả là một điều kiện để được tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Như vậy, sẽ tránh được hậu quả hệ lụy phía sau nếu có các đơn vị, tổ chức, cá nhân không có ý thức trong việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả khi tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Theo thống kê của VCPMC hiện nay đang có hàng trăm chương trình biểu diễn đã, đang và sẽ được diễn ra nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Có thể nói câu chuyện vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc đang diễn ra “nhan nhản” tại thị trường âm nhạc của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phương thức xử lý, giải quyết vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.