Bán sách… rong

KHÚC HÀ LINH 09/11/2022 07:56

Sau ngày hòa bình lập lại (1954), vùng quê tôi vẫn chưa có hiệu sách. Một năm họa hoằn mới có đoàn văn công về diễn ở phố huyện. Dân quanh vùng đi bộ hàng chục cây số mới đến nơi xem. Chiếu bóng cũng phải dăm sáu tháng mới một lần về phục vụ. Trong làng có một người lắp chiếc máy “Galen”, có dây ăng-ten treo trên cột tre đầu hồi, nhưng nghe được tin tức từ trên trời lạ lắm. Tối tối hàng xóm kéo đến nghe nhờ. Người nọ thay người kia đeo cục sắt vào trong lỗ tai mới thấy tiếng ò è nhỏ như nói thầm cũng rất thích.

Sách của một thời. Ảnh: Thư Hoàng.

Trong bối cảnh ấy, cha tôi xin được chân bán sách ở trên tỉnh. Ở làng quê như thế gọi là đi “thoát ly”, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, ở nhà quê. Chí ít cũng có chỗ ở trong cơ quan, được ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân.

Nhưng cha tôi lại khác. Được tiếng là đi “thoát ly” nhưng vẫn sống ở quê với gia đình vợ con, chỉ có tên trong danh sách cơ quan trên tỉnh. Cha được phân công vào Tổ phát hành sách lưu động, cụ thể là bán sách ăn hoa hồng.

Thời ấy sách chủ yếu là của Nhà xuất bản Phổ thông. Họ in những loại sách chữ to có tranh dành cho những đối tượng mới thoát nạn mù chữ, lớp bình dân học vụ. Nhiều nhất là sách hướng dẫn giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh dịch tả, bệnh chó dại, đau mắt hột... Lại có cả tranh vẽ tuyên truyền chống bão lụt, kiến thức về khí tượng thủy văn, hướng dẫn cách nhận biết gió bão từ cấp 1 đến cấp 12 như thế nào để mà đề phòng.

Trong bồ hàng của cha tôi còn có các loại cờ giấy. Đó là cờ 12 nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc... Người ta còn dán xen kẽ cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng thành một dây dài đến vài mét để bán cho dân chúng trang trí trong nhà. Thời ấy hầu hết gia đình nông thôn thường treo ảnh lãnh tụ.

Đến dịp Tết Nguyên đán có thêm tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, câu đối Tết, tranh tứ quý, tứ bình… Thỉnh thoảng thấy có tranh ảnh Trung Quốc màu sắc rất đẹp: Lý ngư vọng nguyệt, Ngưu Lang - Chức Nữ, em bé ôm chim bồ câu hoặc tranh trong các tích truyện cổ...

Thật hiếm có những sách văn học, thơ, tiểu thuyết dịch như bây giờ.

Mỗi tháng cha tôi ra tỉnh 2-3 lần lĩnh hàng. Lần đầu chỉ ký sổ nhận hàng, đến lần sau ra nộp tiền, và nhận hàng tương ứng đem về bán tiếp. Ban đầu tỉnh cho hưởng 20% hoa hồng, sau hạ xuống 10%. Bán được nhiều ăn nhiều, bán ít ăn ít. Đó là “lương”, mọi chi phí vận chuyển, cước phí đò giang, tự túc hết. Giá văn hóa phẩm ngày ấy rất rẻ, một tờ tranh 5 xu, một cuốn truyện 1 hào 2 xu, vì thế tiền hoa hồng rất ít, cuộc sống của người bán sách rong thật gian nan…

Cũng vì ăn hoa hồng, nên người bán sách có quyền lựa chọn những sách nào, loại tranh ảnh nào dễ bán, thì nhận nhiều hơn. Tất cả ấn vào chiếc bồ nứa đựng khoảng hai trăm món hàng các loại. Rồi mượn dây thừng của kho sách, chằng buộc chặt chẽ trên chiếc xe đạp tư, thồ về nhà.

Thời ấy, cha tôi đã tìm mua được chiếc xe đạp cũ kỹ, nhưng khung, vành còn chắc chắn. Chiếc xe không có gác-đơ-bu, không phanh, không đèn… cốt là thay cho chiếc xe ba gác làm phương tiện vận chuyển. Mỗi lần đi ra tỉnh lĩnh hàng, phải qua 2 con đò, vượt chặng đường khoảng 30 cây số, đất đá gồ ghề, nhiều lần gặp mưa bão giữa đường, lấy được chuyến hàng phải hết trọn một ngày đường nhọc nhằn, nhễ nhại.

Tổ phát hành sách lưu động thực chất là những người bán rong. Phải tìm về làng bản xóm thôn mà bán. Các tổ trưởng tổ đổi công, bí thư chi bộ là chỗ dựa tốt nhất. Chờ đến trưa người nông dân ở đồng về ăn cơm, người bán sách được cán bộ cơ sở dẫn đến từng gia đình giới thiệu bán hàng.

Nghe kể tóm tắt nội dung từng cuốn sách, chủ nhà thích mới mua cho 1 cuốn, hoặc vài tờ tranh, một giây cờ giấy. Hết nhà này, đến nhà khác, con chó lần đầu thấy khách lạ, còn ủng ẳng, sau quen dần ngoe nguẩy vẫy đuôi. Chiều người ta ra đồng, thì mình xếp đặt đồ nghề trở về nhà.

Trong các nghề bán rong, người bán sách được nhân dân quý mến và tôn trọng... Nhất là các anh giáo trường làng, có thể coi là giới trí thức ở quê và những cha mẹ có tư tưởng tiến bộ muốn cho con em đi học. Thoáng thấy người đội mũ cát rộng vành đạp xe bấm chuông leng keng đầu làng, đã nghe thấy tiếng reo “Bác bán sách đã về”.

Những lúc ấy, lòng cha tôi thật hả hê. Có nhiều lần, mải đi vào tận xã vùng núi xa xôi, tối không về được, cha phải ngủ lại. Đến bữa, bà con dân tộc Sán Dìu mời cơm, khi trả tiền họ không nhận, thế là cha tìm cớ cho con họ khi tờ tranh, lúc cuốn truyện nhi đồng, gọi là kỷ niệm…

Để bán được nhiều sách, phải tìm chỗ đông người, như hội nghị, cuộc mít tinh, bãi chiếu bóng… Trước buổi chiếu, cha xin phép anh thuyết minh dùng micro giới thiệu, đại loại như: “Hiện nay có tiểu thuyết “Phá đám”, “Mùa hoa dẻ”, “Nhãn đầu mùa”, bạn cần cứ gọi. Hay “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Cóc kiện trời”, các cháu thiếu niên rất nên xem. Xin giới thiệu “Hỏi đáp về hợp tác xã”, kỹ thuật “Ba sôi hai lạnh” rất cần cho nông dân… Mỗi tối bán được dăm, mười quyển, được 5-6 đồng. Khi gặp người quen, muốn mua không mang tiền, cũng cho chịu, ghi tên đòi sau.

Không chỉ ở phiên chợ Tết, cha còn đến công trường đắp đê bán sách.

Trong khi người dân công vất vả xẻ mai, vác đất dưới ruộng, thì trên sườn đê, cha chuẩn bị cho cuộc bán hàng. Cùng với sách, tranh ảnh chuẩn bị, có thêm hai câu thơ treo dọc như đôi câu đối, viết trên giấy màu được căng lên:

“Khi lao động vui câu hò, tiếng hát

Lúc giải lao xem quyển sách, tờ tranh”.

Giờ giải lao, người ta vây lấy cha tôi xem tranh, đọc sách. Cha thì giới thiệu mời mọc, kiểu như bán hàng ở các siêu thị thời nay. Bán xong, được dăm ba đồng, lại gấp gọn đồ đạc chất lên chiếc xe đạp, phóng về nhà.

Mấy năm sau trong huyện mới có vài đại lý bán sách ăn hoa hồng, nhưng đại lý của cha tôi bao giờ cũng được đánh giá là quản lý tốt nhất. Số lượng sách bán ra khớp với số tiền thu về và đặc biệt là khâu thanh toán với tỉnh kịp thời. Cũng từ thành tích ấy, cha được xét vào diện nhân viên “tạm tuyển”, mới có lương. Lương 36 đồng/ tháng (bấy giờ lương của Cán sự 1 có 50đ/ tháng).

Nhờ số sách bán nhiều, doanh thu được nhiều, cha được suy tôn là Chiến sĩ thi đua ngành, được Bộ Văn hóa thưởng bằng khen, và thưởng cho đi nghỉ mát. Từ 60 năm trước, người bán sách rong được nhà nước cho tiêu chuẩn đi nghỉ mát ở Đồ Sơn (Hải Phòng) một tuần, là sự kiện long trời. Có lẽ vì thế, mà chỉ 6 năm làm nghề bán sách rong, cha tôi được vào biên chế chính thức.

Một lần tình cờ tôi tìm thấy bản lưu Đơn xin biên chế trong cặp của cha. Đọc những dòng chữ mộc mạc mà xúc động: “Quá trình công tác tôi không kể ngày đêm khắc phục mọi khó khăn gian khổ. Bán sách nơi công trường, nơi chợ búa, chỗ đông người, các hội nghị, không kể thì giờ. Tôi rất yêu nghề bán sách. Vậy tôi làm giấy đề nghị các cấp xét cho tôi được vào biên chế của Nhà nước. Tôi đem hết khả năng sẵn có để phục vụ Đảng và nhân dân đến cùng…”

Vào biên chế, thôi bán sách rong ăn hoa hồng. Lương tháng 40 đồng, nhưng xã hội trọng thị, rằng đấy là người trong biên chế Nhà nước. Được hưởng các chế độ như phiếu gạo, thịt, đường, vải, được hưởng phụ cấp tiền nuôi con là 5 đồng/tháng/con.

Từ bán sách rong, sau này cha tôi trở thành Chủ nhiệm Hiệu sách nhân dân huyện. Nhưng đấy là chuyện khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán sách… rong