Thật nhức nhối khi các loại giấy tờ giả, văn bằng chứng chỉ giả được “bày bán” công khai trên không gian mạng. Dẹp vấn nạn này không khó nhưng tiếc thay nó vẫn tồn tại như một thách thức.
Cam kết làm giả giống 100% thật (!?)
Website “lambangdaihoc.com.vn” quảng cáo rầm rộ việc làm bằng cấp các loại. Theo đó, các loại bằng cấp được ra từ… tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, và còn “nhận làm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghề”.
Chúng tôi liên hệ thì được một người tên Đại ra giá “bằng thạc sĩ 7 triệu đồng, bằng tiến sĩ 10 triệu đồng. Vì bảo mật thông tin khách hàng nên không thể chia sẻ những mẫu bằng đã làm sẵn”. Tuy nói không chia sẻ, nhưng trên website lại trên đăng tải hàng loạt bằng thạc sĩ, cử nhân…
Còn tại trang “lambanggia.net” quảng cáo làm bằng tiến sĩ với những lời có cánh “Làm bằng tiến sĩ không cần đặt cọc giá rẻ phôi gốc thật 100%, mộc đóng và mộc giáp lai giống thật 100%, tem 7 màu 6 cánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm xong giao bằng nhận tiền không cần đặt cọc”. Khi chúng tôi liên hệ, một người xưng tên Minh ra giá: “Bằng tiến sĩ làm giá 8 triệu đồng. Muốn trường nào gửi mẫu làm cho”.
Tương tự, tại hàng loạt các trang web khác như: “dichvulamgiayto247.com”, “chuyengiaytogiare.net”, “lamcacloaigiathap.com”… đều rao nhận làm nhiều loại giấy tờ và cam kết làm giả giống 100% thật.
Chưa hết, mạng xã hội cũng được các đối tượng làm bằng giả tận dụng làm công cụ để quảng cáo. Các đối tượng lập ra hàng trăm fanpage, group để quảng cáo hoạt động làm bằng cấp giả, với chiêu thức lập ra các fanpage như: Bằng cấp quốc gia - uy tín; Làm bằng đại học; Việc làm nhanh; Làm giấy tờ xác nhận theo yêu cầu, làm bằng toàn quốc… để dẫn dụ người có nhu cầu.
Để tạo niềm tin đối với những người cần bằng cấp, các đối tượng dùng thủ đoạn lợi dụng bằng thật của người khác để quảng cáo. Ví dụ, trên trang “nhanlamgiaytogia.com”, chúng tôi tìm thấy tấm bằng Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng do Trường Đại học Mở TP HCM cấp vào tháng 10/2014 cho ông N.V.L (39 tuổi). Sau khi kiểm tra đối chiếu số hiệu bằng trong hình và trên hệ thống của Trường Đại học Mở TP HCM, chúng tôi phát hiện thông tin trên hình trùng khớp với dữ liệu của trường lưu.
Điều đáng nói, trong quá trình tiếp cận các đối tượng làm giấy tờ bằng, cấp giả, chúng tôi yêu cầu được xem trước khi giao dịch nhưng các đối tượng thường chỉ trao đổi qua internet. Khâu giao sản phẩm là bằng cấp giả cũng thực hiện nhờ các dịch vụ vận chuyển.
Các đối tượng làm giả không ra mặt trực tiếp, địa chỉ cũng không rõ ràng. Chẳng hạn như địa chỉ trang “lambanggiatre24h” quảng cáo là địa chỉ giao dịch tại số 99, đường Bàu Cát 2, quận Tân Bình, TP HCM, nhưng khi phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tìm tới, thì đây chỉ là căn nhà của một hộ dân.
Triệt tiêu nhu cầu tự khắc cung biến mất
GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP HCM cho rằng, việc xác minh bằng giả hay thật không khó. Bộ GDĐT đã có quy định về bằng tốt nghiệp thì thông tin được đưa lên web của trường, do đó các đơn vị có thể vào hệ thống của thống của các trường để truy xét.
Còn trường hợp xác minh bằng con dấu thì vẫn gửi công văn tới trường để xác minh. Các trường hoàn toàn có thể xác định được bằng thật hay bàng giả thông qua các cơ sở dữ liệu đầu vào, đầu ra và hồ sơ lưu của sinh viên.
“Đối với Trường Đại học Mở TP HCM thì việc xác minh bằng giả, thứ nhất là có hồ sơ gốc, thứ hai là khi trao bằng cho sinh viên nhà trường đã photo lại bằng và bảng điểm để lưu. Khi xác minh chỉ cần xem hồ sơ có hay không là biết ngay”, GS Hà cho biết, đồng thời cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc. Xử lý những nơi làm bằng giả thôi chưa đủ mà phải xử lý nghiêm cả những người cố tình sử dụng bằng cấp giả.
Theo GS Hà để giải quyết vấn nạn cần xử lý từ gốc. Hiện nay, việc xác minh bằng cấp mới chỉ được các cơ quan nhà nước, hay các đơn vị nước ngoài yêu cầu, còn đối với các công ty, doanh nghiệp tư nhân họ ít khi xác minh giả, thật. Đây là kẽ hở cho người sử dụng bằng giả, tức là nhu cầu có thì tự khắc sẽ có cung. Do vậy, nếu tất cả các doanh nghiệp, đơn vị đều chủ động xác minh kỹ bằng cấp giả thì vấn nạn làm bằng giả tự khắc sẽ biến mất, vì mua bằng giả chẳng giải quyết được gì.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả, dù với bất kỳ mục đích gì đều trái pháp luật và tùy theo từng trường hợp cụ thể mà tại sẽ xử lý. Ở mức độ nhẹ như xem xét lại việc đã tuyển dụng cán bộ trong cơ quan nhà nước hoặc tuyển dụng người lao động tại doanh nghiệp, hủy việc cấp các văn bằng đã cấp vì căn cứ giấy tờ giả.
Khi sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, nếu bị phát hiện, khởi tố về tội danh sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tại Điều 341 Bộ luật Hình sự, có thể chịu hình phạt tiền từ 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ, đến tù giam từ 6 tháng đến 7 năm, tùy mức độ hành vi phạm tội.
Ngoài mức phạt của tội danh trên, nếu dùng các giấy tờ giả để phạm tội khác thì còn bị xử lý trách nhiệm về các hành vi khác như “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,... Do đó, người sử dụng giấy tờ giả thường che giấu tình trạng đã sử dụng giấy tờ giả. Để giải quyết vấn nạn này, điều quan trọng là cần phải thông tin để nhiều cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), người làm giấy tờ giả hoặc có hành vi buôn bán giấy tờ giả cho người khác là có các dấu hiệu cấu thành “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, theo dó mức khung chịu trách nhiệm hình sự với hình thức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.