Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ lâu đã được nhiều người biết đến. Chiếc bánh gai ngon phải dẻo, thơm mùi lá quện với vị ngọt của mật mía, vị béo ngậy của thịt, đỗ xanh và chút bùi bùi của vừng, dừa…
Người dân làng Mía gắn bó với nghề làm bánh gai đã bao đời nay. Ở đây, hầu như nhà nào cũng làm bánh gai. Vào đến đầu làng, những mẻ đỗ xanh vừa đồ thơm nức. Mỗi người một việc, người cắt lá, chẻ dây, người nặn bánh, gói bánh, trông lò, tiếng cười nói rôm rả cả xóm làng.
Quy trình làm bánh gai rất công phu, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tinh tế, cộng thêm bí quyết gia truyền mới làm nên hương vị của bánh thơm ngon. Nguyên liệu làm bánh gồm lá gai, gạo nếp (nếp nương) được xay thành bột. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường, dừa sợi, thịt lợn nạc. Bột lá gai, bột nếp, trộn cùng mật mía cho thật kỹ đều rồi ủ trong một đêm sau đó đem vào cối giã sao cho kết dính vào nhau. Khâu giã bánh góp phần quyết định chất lượng của bánh. Phải trộn thật đều, thật nhuyễn thì vỏ bánh mới mịn và có màu đen bóng. Bánh sau khi gói xong đem hấp trong khoảng 1h là có thể ăn được. Mùa hè, bánh có thể để được 1 tuần, mùa đông thì để độ chục ngày. Trung bình một hộ làm thủ công mỗi ngày được vài trăm bánh.
Những người làm bánh kinh nghiệm thường chỉ nhìn là có thể biết vỏ bột thế nào cho vỏ bánh mịn, dẻo. Khi xong khâu vỏ bánh, dàn mỏng rồi cho nhân (đỗ, dừa, đường trộn đều) vê tròn rồi lăn bánh trên mâm đã rải vừng. Làm bánh gai không thể thiếu vừng vì nó tạo cho chiếc bánh thêm ngọt, bùi, béo và dễ bóc. Chiếc bánh ngon phải mịn và có vị thơm của lá gai, dầu chuối; dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía, bùi của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng.
Sau mọi công đoạn chuẩn bị thì gói bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân làng Mía cho biết, gói bánh không được gói chặt hoặc lỏng quá, lá chuối khô phải có độ dày để khi luộc bánh chín đều và bảo quản được lâu. Mỗi chặp bánh gai thường có 5 chiếc. Người dân ở đây cho rằng, quan niệm dân gian của người Việt bắt đầu bằng chữ sinh bởi vậy chọn số 5 là họ muốn gửi gắm sự sinh sôi, phát triển đến người thưởng thức.
Trước đây, bánh gai làng Mía thường chỉ được làm trong các dịp giỗ tết, đình đám, lễ hội, thế nhưng hiện nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Theo ông Ngô Văn Hòe - trưởng thôn làng Mía, hiện nay trong làng có trên 40 hộ làm bánh gai lâu đời. Nhờ có nghề làm bánh mà kinh tế các gia đình đều ổn định và khá giả. Hiện nay, nghề bánh gai không chỉ ở riêng làng Mía, mà truyền sang nhiều xã khác trong huyện Thọ Xuân. Người dân làng Mía yêu và rất tự hào với nghề làm bánh gai.
Bánh gai làng Mía cùng với chè Sánh, chè Lược và cá rô Đầm Sét, đã tạo nên thứ đặc sản của vùng đất Thọ Xuân để rồi được thưởng thức một lần là nhớ mãi.