Đầu tháng 11 hàng năm là khoảng thời gian các du khách kéo nhau lên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang để ngắm nhìn cánh đồng hoa tam giác mạch. Thế nhưng, cùng với sắc hồng liti đang nở rộ khắp các cung đường thì bánh tam giác mạch đang trở thành đặc sản của bà con các dân tộc nơi đây.
Cữ này cao nguyên đá Đồng Văn trở nên huyền ảo hơn bởi bạt ngàn hoa Tam giác mạch. Hoa nở miên man trên những sườn núi, trong những thung lũng mây mờ che phủ. Ngay trong vườn nhà, trên nương, Tam giác mạch cũng khiến người ta ngây ngất. Những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang không chỉ giúp người dân nơi đây thu hút khách du lịch mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu để tạo ra lương thực, thực phẩm đặc sản như rượu, bánh tam giác mạch.
Hạt của cây tam giác mạch giàu chất dinh dưỡng không kém hạt gạo hay ngô với nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, inositol, selen, tốt cho sức khỏe nên từ lâu bà con dân bản đã biết dùng để làm ra những chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon, như một đặc sản níu chân du khách đến với Hà Giang.
Để có nguyên liệu làm bánh, sau khi thu hoạch hạt hoa bà con phơi thật khô, rồi dùng máy để xay bột cho nhuyễn, lọc lại nhiều lần để loại bỏ vỏ, lấy bột mịn, nếu không khéo bánh rất dễ bị lợn cợn, khó ăn. Bột tam giác mạch được hoà với nước, đánh đều cho nhuyễn đổ ra khuôn rồi đưa đi hấp cho chín. Theo kinh nghiệm của bà con, để làm nên hương vị độc đáo của bánh tam giác mạch bột làm bánh được trộn thêm với đỗ, bột gạo nếp nương theo một tỷ lệ nhất định.
Bánh tam giác mạch được gói bằng lá chuối khi ăn có thể bỏ vào lò nướng hoặc nướng lại trên bếp than cho nóng. Không mềm và dẻo như bánh làm bằng gạo nếp, bánh làm bằng hạt tam giác mạch thoảng vị bùi bùi, phảng phất chút hăng hăng đặc trưng của cây rừng. Cắn miếng bánh mềm xốp, nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt, bùi thanh thanh lan tỏa. Một chiếc bánh to chừng hai bàn tay người lớn giá 10.000 đồng. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu vậy.
Có lẽ vì thế, đến Hà Giang, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ dân tộc ngồi bán hàng ven đường liên tục trở tay để nướng những chiếc bánh tam giác mạch. . Bên cạnh đặc sản này, vùng đất Hà Giang còn có nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh ba kích, bánh khẩu mang, bánh cốm nếp hái giòn, bánh cốm nếp hái dẻo...
Nếu trước đây người dân chỉ trồng tam giác mạch để phục vụ chăn nuôi, nấu rượu, làm bánh phục vụ cuộc sống trong thời gian chờ đất trồng ngô thì nay tam giác mạch đã trở thành cây trồng vụ 3 mang lại giá trị kinh tế, vừa làm du lịch. UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định xây dựng chiến lược phát triển cây tam giác mạch trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu Hà Giang.