Một người bình thường không hút thuốc, giờ đây thường đặt câu hỏi, vì sao người ta có thể lấy ra một điếu thuốc để hút từ những vỏ bao thuốc lá vẽ những hình thù gớm ghiếc? Và ngay cả những hình ảnh kinh dị cảnh báo những bệnh tật có thể mắc phải hình như cũng không có tác dụng “răn đe” được là bao, “một khi” đã nghiện. Chủ đề của Ngày thế giới không khói thuốc (31-5) năm nay một lần nữa nhằm vào các nhà sản xuất; “Hãy sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn” (bao bì không có logo
Ảnh minh họa.
Có lẽ ngay cả một người có trình độ hiểu biết hạn chế, hoặc ít thông tin ngày nay cũng có thể biết được cơ bản tác hại của thuốc lá với người sử dụng và với cả những người xung quanh. Ví dụ như các chất nicotin, colidin có trong khói thuốc mà các nhà khoa học bảo rằng chỉ cần 1 phần 20 giọt colidin đủ giết chết một con ếch. Hoặc trong thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư. Ung thư phổi chiếm 20% tỉ lệ ung thư hiện nay và thuốc lá chiếm 90% nguyên nhân của ung thư phổi…
Đó là những nhận thức đã ngấm được vào xã hội trong nhiều thập niên qua, khi chúng ta tốn khá nhiều công của vào công cuộc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Phải công nhận một cách công bằng là tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động (người hít phải khói thuốc) đang có xu hướng giảm cả ở môi trường trong nhà, nơi làm việc, trường học lẫn trên phương tiện công cộng.
Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%... Đáng chú ý, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% (năm 2007) xuống 2,5% (năm 2014) và 90% số học sinh đang hút thuốc có ý định cai thuốc…
Và chuyển biến tích cực này, cũng phải đánh giá công bằng chủ yếu do tuyên truyền đánh vào tác hại đối với sức khoẻ khiến nhiều người thay đổi hành vi của họ. Bởi vậy, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện nay tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta hút thuốc vẫn chiếm tỷ lệ cao, ngoài loại thuốc lá thông thường còn xuất hiện nhiều hình thức khác như shisha, thuốc lá điện tử…
Chúng đang được quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút giới trẻ vào con đường nghiện ngập. Và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá với những quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng chưa nhìn thấy được hiệu quả.
Gần như rất ít hoặc hiếm khi ai đó lại được chứng kiến hành vi hút thuốc nơi công cộng bị xử phạt. Đối với nhiều người, vi phạm luật giao thông thì có cảnh sát giao thông còn hành vi hút thuốc lá nơi công cộng thì ai xử phạt, vẫn là một điều khó hiểu. Chúng ta rất dễ gặp cảnh một người nước ngoài phẫn nộ khi nhìn thấy một người hút thuốc nơi công cộng, nhưng với người Việt Nam thì khác.
Vì ngại va chạm, vì nghĩ đó là việc riêng của cá nhân, vì không biết báo cho ai xử phạt… nên hầu như không người Việt nào nhìn hành vi hút thuốc là hành vi vi phạm pháp luật. Không ai lên tiếng và người hút thuốc cũng không ý thức được hành vi của mình. Thậm chí ở nhiều cơ quan, công sở, hút thuốc lá được thực hiện như một việc đương nhiên.
Hàng loạt hoạt động vẫn được triển khai trên cả nước vào những ngày này, kéo dài cả tuần lễ vào dịp Ngày thế giới không khói thuốc lá (31/5), như mọi năm, như năm nào cũng thế. Nhưng còn mỗi ngày, nơi công sở, nơi công cộng, hành vi đã bị luật pháp cấm (hút thuốc lá nơi công cộng) vẫn ngang nhiên tồn tại.
Có ai trong số những người hút và người có mặt nơi công cộng ý thức rằng mình không được làm hay mình cần phải lên án hành vi đó không? Và khi nhìn thấy có người hút thuốc nơi công cộng, thì mọi người có thể báo cho ai để xử phạt?
Cho nên muốn chuyển biến về nhận thức, Luật phải được thực thi. Luật phòng chống tác hại thuốc lá không phải chỉ làm ra để cho có. Hành vi hút thuốc nơi công cộng phải được xử phạt nghiêm thì luật pháp mới có tác dụng. Và mới mong có được một môi trường không khói thuốc.
Trở lại với chủ đề của Ngày quốc tế không khói thuốc năm nay. Đó là việc loại bỏ nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm thuốc lá. Bao bì thuốc lá trơn là bao bì in theo chuẩn mực chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo trên bao bì thuốc lá.
Tên sản phẩm, thương hiệu thuốc lá trên bao bì chỉ được phép in theo một màu sắc và kiểu phông chữ chuẩn theo quy định. Mục đích của việc áp dụng bao bì trơn nhằm giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá, hạn chế sử dụng bao bì thuốc lá như là một hình thức quảng cáo thuốc lá, hạn chế việc in các thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người sử dụng trên vỏ bao, làm tăng hiệu quả của các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh.
Được biết, đến tháng 5/2016 đã có một số nước đã thực hiện đóng gói thuốc bao trơn, một số nước khác cũng đang trong giai đoạn xem xét thông qua luật thực hiện bao bì trơn.
Cùng với xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, bố trí các vị trí hút thuốc riêng biệt, tuyên truyền vận động để mọi người từ bỏ thuốc lá, việc áp dụng hàng rào kỹ thuật với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá như chủ đề của Ngày quốc tế không khói thuốc năm nay là một hướng đi mới, tích cực hơn, vì một xã hội an toàn, lành mạnh.
Trong đó, ở một nước như Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm, khi mà bất kỳ ai cũng có thể mua thuốc lá một cách thoải mái, ngay cả khi đó là một đứa trẻ (hầu như cũng không xử phạt người bán thuốc cho trẻ vị thành niên).
Tuy nhiên, từ chỗ vài chục năm trước, người ta coi việc biếu tặng thuốc lá cho nhau như là biếu tặng một mặt hàng quí hiếm, thì nay, hút thuốc đã trở thành hành vi không được hoan nghênh trong cuộc sống, đã là một chuyển biến tích cực về nhận thức. Việc thay đổi hành vi phải được kết hợp bằng nhiều biện pháp hàng ngày, mà quan trọng nhất là tính chất nghiêm minh của pháp luật, chứ không phải chỉ mỗi năm một lần vào Ngày Không khói thuốc mới có những tuyên truyền rầm rộ