Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trình bày bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đại Đoàn Kết trân trọng đăng nội dung Báo cáo.
BẢN TỔNG HỢP (RÚT GỌN)
Ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
(Do ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV)
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực điều hành Quốc hội và các đồng chí chủ tọa phiên họp;
- Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý và đồng bào cử tri cả nước!
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội bản báo cáo 27 trang và bản tập hợp 155 trang với 1.502 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tổng hợp từ 63/63 báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, 37/63 báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội, 23 báo cáo của các tổ chức thành viên của Mặt trận, 16 ý kiến của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau đây tôi xin trình bày bản Báo cáo rút gọn như sau:
I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động đến tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục được phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân ổn định, từng bước được cải thiện; công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, cả chiều rộng và chiều sâu, uy tín và vị thế nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; xử lý các vụ án, vụ việc vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn, tính giáo dục và sức thuyết phục cao.
Hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, thiết thực, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy mạnh mẽ hơn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, quan tâm hỗ trợ cho những người nghèo, khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn góp phần để mọi nhà, mọi người đều được vui xuân đón Tết đầy đủ hơn; hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các ngày lễ lớn năm 2024 trang trọng, thiết thực. Lan tỏa được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó động viên được các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đồng lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố và tăng cường.
II. VỀ MỘT SỐ LĨNH VỰC CỤ THỂ
1. Về phục hồi và phát triển kinh tế
Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước Quý I/2024 tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, là năm cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam. Các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, điện, nhất là các dự án đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ; tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi 12 dự án đầu tư thua lỗ, nay đã có một số dự án sản xuất - kinh doanh có lãi; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực. Trong khi sản xuất công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn, một số chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy thì tăng trưởng khu vực nông nghiệp gần 3% so với cùng kỳ là kết quả đáng ghi nhận, thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn… Đảng và Nhà nước, trực tiếp, thường xuyên là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm giải quyết kịp thời, hài hòa những vấn đề mới phát sinh, liên quan đến quyền lợi của Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng: Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội ngày một tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay biến động tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
2. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội
Cử tri và Nhân dân ghi nhận ngành Giáo dục và đào tạo đã chú ý, lắng nghe ý kiến đa chiều để từng bước đổi mới, điều chỉnh cơ chế, chính sách, bổ sung thêm biên chế, quan tâm làm tốt hơn công tác chính trị, tư tưởng trong Ngành. Bước đầu đã đề xuất được giải pháp tháo gỡ các khó khăn để ổn định và phát triển bậc giáo dục mầm non. Song cử tri và Nhân dân vẫn còn lo lắng, băn khoăn nhu cầu học tập của học sinh học ở các trường công lập cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế; dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm cho người đến tuổi lao động, nhất là thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao ngành Y tế đã có nhiều cố gắng, tích cực tham mưu để hoàn thiện thể chế; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân; tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở; một số vướng mắc, tồn tại nhiều năm đã từng bước được giải quyết, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế yên tâm hơn trong công tác. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn còn lo ngại về tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn bất cập, chưa thực sự là nguồn đảm bảo chính cho những người dân khi đi khám, chữa bệnh.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc ở các bếp ăn tập thể, việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, gây bức xúc dư luận xã hội, chưa được quan tâm xử lý nghiêm minh.
3. Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Công an đã tăng cường đấu tranh trấn áp, phòng, chống tội phạm, vi phạm; hoạt động của công an xã chính quy đã đem lại hiệu quả thiết thực, tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, cơ sở. Cử tri và Nhân dân đồng tình cao và rất hoan nghênh việc kiên quyết kiểm soát nồng độ cồn để phòng ngừa tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho rằng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trên không gian mạng, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn cao.
4. Về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai
Cử tri và Nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và người dân, tổng hợp, phân tích, tiếp thu hoàn thiện, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ghi nhận sự cố gắng của ngành Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; mưa bão gây sạt lở đất ở vùng núi, ven sông, suối ở vùng Tây Bắc…
5. Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh, có lý, có tình đối với người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số đồng chí cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao. Đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này. Mong muốn các bộ, ngành, cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả, “mạnh tay hơn” đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những người đăng tải, cung cấp các thông tin “thất thiệt”, “xấu độc” ảnh hưởng đến kết quả chung đã đạt được.
6. Về lĩnh vực nội vụ, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao cố gắng của ngành Nội vụ trong việc chuẩn bị các điều kiện để cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024; Bộ Nội vụ đã chú ý lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân để có sự điều chỉnh cần thiết trong việc tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030… Công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở nhiều địa phương sau giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp đã có chuyển biến hơn, tỷ lệ giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại đạt khá cao.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở ở một số địa phương việc thực hiệc chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách không còn vị trí việc làm chưa được kịp thời; một số tài sản sau sáp nhập chưa được sử dụng hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có việc chưa nghiêm; vẫn còn một số thủ tục hành chính không còn phù hợp, song chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
7. Về một số vấn đề khác
Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi khi Đảng, Nhà nước tổ chức rất thành công lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần giáo dục truyền thống, lan tỏa được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có nhiều việc làm thiết thực tri ân gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... được dự luận đồng tình đánh giá cao.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao Hội đồng thi đua Khen thưởng Trung ương cùng với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo”. Đồng thời mong muốn phong trào nhận được sự ủng hộ tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, để đạt được mục tiêu đã đề ra.
III. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
1. Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc”, “bôi nhọ” làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.
2. Kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương:
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… vì đây là bộ phận cư dân khó khăn nhất hiện nay;
- Tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt;
- Có giải pháp đồng bộ, căn cơ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho Nhân dân và đảm bảo cho sản xuất ở một số vùng khó khăn, như: ở vùng núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, có thể hiểu nước sinh hoạt là mặt hàng thiết yếu, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo đời sống của Nhân dân;
- Tổng hợp, rà soát toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra khá phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.
3. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 01/7/2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
4. Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch đã cùng với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” trên phạm vi cả nước, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Ngày thành lập nước, chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Cùng với huy động nguồn lực xã hội, kiến nghị với Đảng, Nhà nước xem xét bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước hỗ trợ những địa phương còn khó khăn để phấn đấu đạt được mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.
5. Kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Qua số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ giải quyết cao nhưng chủ yếu là cung cấp thông tin, viện dẫn văn bản, giải thích chính sách; số ý kiến được giải quyết có kết quả cụ thể chưa cao, chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Kính thưa Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước!
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với cử tri và Nhân dân cả nước tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, quản lý điều hành hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất định đất nước ta sẽ tranh thủ được thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu, kế hoạch năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trên đây là báo cáo tóm tắt về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phản hồi kết quả về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định./.
Xin trân trọng cảm ơn!