Đưa tin về sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, các hãng tin lớn trên thế giới như New York Times, AFP, Financial Times đã nhấn mạnh tới vai trò của ông trong thời kỳ đổi mới, khi Việt Nam mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Mười trò chuyện với báo giới sau khi được tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư năm 1996 (Ảnh: AP).
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần ngày 1/10 ở tuổi 101 sau một thời gian lâm bệnh nặng. Đưa tin về sự ra đi của ông, báo New York Times của Mỹ dẫn thông báo của Việt Nam: “Đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Tờ báo viết, ông Đỗ Mười giữ chức Tổng Bí thư trong kỳ Việt Nam thúc đẩy quá trình tự do hóa nền kinh tế. Trong thời kỳ này, Việt Nam đã mở cửa thị trường và khuyến khích tự do kinh doanh, trong khi duy trì sự lãnh đạo của đảng đối với các vấn đề kinh tế và chính trị.
Tờ báo cho hay, trong một kỳ họp của đảng vào năm 1996, khi được tín nhiệm bầu bầu lại làm Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười đã nói với các nhà báo nước ngoài về sự cần thiết của việc thúc đẩy cải cách kinh tế.
“Phát triển chậm đồng nghĩa với nghèo đói, các bạn có nghĩ như vậy không?”, ông nói. “Nhưng cùng lúc đó, tôi muốn nhìn thấy hiệu quả và sự ổn định”.
“Nếu cải cách quá nhanh, chúng tôi có thể mắc phải các sai lầm. Nếu bạn chạy quá nhanh và bắt gặp thứ gì đó trên đường, bạn có thể vấp ngã”, ông Đỗ Mười nói thêm.
Ngoài cải cách kinh tế, New York Times cũng nhấn mạnh tới vai trò của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong nỗ lực chống tham nhũng. “Đó là một căn bệnh và chỉ nhân dân có thể chữa trị nó. Tội này cần bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí tử hình, bất kể người đó giữ vị trí nào”, tờ báo dẫn lại lời ông Đỗ Mười.
Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh viết, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười có sự nghiệp chính trị kéo dài, trải qua quá trình giành độc lập của Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam và quá trình đổi mới. Ông Đỗ Mười là một trong số các nhà lãnh đạo từng tham gia cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào những năm 1930.
Tờ báo Anh cho rằng ông Đỗ Mười đã để lại dấu ấn trong thời kỳ đổi mới, bắt đầu vào những năm 1980, và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam tới thăm các quốc gia phương Tây. Vào năm 1995, ông đã có chuyến thăm đầu tiên tới Australia và New Zealand ở tuổi 78.
Hãng tin AFP cũng nhấn mạnh vai trò của ông Đỗ Mười trong quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam vào những năm 1980, khi Việt Nam dần mở cửa đối với tư nhân hóa và đầu tư nước ngoài. Với tư cách là Tổng Bí thư từ 1991-1997, ông cũng thúc đẩy quá trình bình thường hóa với Mỹ vào năm 1995.
Theo hãng tin Pháp, vào năm 1997, Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeleine Albright, ông Đỗ Mười nói rằng Mỹ nên giúp Việt Nam khắc phục các hậu quả còn lại của chiến tranh, trong đó có việc hỗ trợ người tàn tật và khắc phục các hậu quả của chất độc da cam.