Tối 24/10, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV – năm 2020 đã được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt – Xô. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại sự kiện quan trọng của giới báo chí cả nước.
Cùng dự có ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo Đại Đoàn Kết đạt giải C Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV
Theo ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2020, các tác phẩm tham dự đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020. Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Từ 1.823 tác phẩm tham dự Giải, Hội đồng Giải đã đánh giá, chọn lọc được 112 tác phẩm, bao gồm 1 Giải đặc biệt, 9 Giải A, 25 Giải B, 45 Giải C, 32 Giải Khuyến khích được vinh danh tại buổi lễ. Tác phẩm “Người Mặt trận trên Mặt trận chống Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết được trao giải C Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV-năm 2020.
Nhà báo Bùi Hoàng Yến, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Báo Đại Đoàn Kết- đại diện cho nhóm tác giả cho biết: Khi nhóm triển khai đề tài đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cũng như Mặt trận các địa phương.
Đi vào mảng đề tài đặc thù là Mặt trận tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19, nhóm tác giả đã trực tiếp đến các địa phương từ Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Trị… để có thể phản ánh một cách chân thực nhất hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Những câu chuyện được kể trong loạt bài chỉ là một ví dụ điển hình cho tinh thần Mặt trận trong những thời điểm khó khăn của đất nước, nhất là trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19. Tinh thần ấy lan toả trên 63 tỉnh thành mà mỗi nơi đều có những cách làm chủ động, sáng tạo riêng để đồng hành, tiếp sức cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch đồng thời hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế vượt lên trong “cơn bão” Covid-19”, nhà báo Bùi Hoàng Yến khẳng định.
Tôn vinh những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Giải Báo chí Quốc gia, tiền thân là Giải báo chí toàn quốc, được tổ chức lần đầu vào năm 2007, qua 15 năm thực hiện, năm nay có số tác phẩm gửi về dự giải nhiều nhất và cũng là năm đầu tiên có tác phẩm được Hội đồng trao Giải Đặc biệt, mặc dù hoàn cảnh tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, khó khăn hơn rất nhiều so với mọi năm.
Kế thừa những di sản tư tưởng và thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người.
Báo chí cũng là vũ khí sắc bén đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; cung cấp kịp thời thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội và chung sức giải quyết khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu, về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch... Báo chí trên nhiều phương diện, đã là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”, như lời Các Mác đã nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Giải Báo chí quốc gia sẽ phát huy và tổ chức tốt hơn nữa; tuyên truyền sâu rộng để thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng với những tác giả và tác phẩm có giá trị xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, có tác động xã hội sâu sắc...; tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch báo chí giai đoạn 2020 - 2025, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển, vững mạnh.
“Chúc những người làm báo Việt Nam luôn luôn xứng đáng là những chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng-văn hoá, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hình ảnh tại lễ trao giải: