Bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống

Lê Bảo - Minh Sang 09/08/2023 11:00

Thời gian qua, việc nhiều nước giảm và ngừng xuất khẩu gạo đã tạo cơ hội để gạo Việt Nam vươn lên cả về số lượng cũng như giá. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chính thức vượt mốc 600 USD/tấn vào ngày 4/8/2023.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao. Chỉ tính 2 loại lúa (thóc) luôn có giá rẻ nhất, là IR50404 và OM 5451 hiện cũng đã cao ngất ngưởng. Cụ thể: IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg; lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg. Các loại lúa phẩm cấp cao, lúa đặc sản, nông dân bán tại ruộng với giá từ 8.000 đồng/kg trở lên, có loại lên tới 15.000 đồng/kg.

Về những yếu tố ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu gạo các tháng cuối năm, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, lượng gạo tồn kho năm 2023/2024 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, biến đổi khí hậu thay đổi điều kiện gieo trồng… sẽ làm suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao. Do đó, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa.

Để có kế hoạch ứng phó với những biến động của thị trường gạo thế giới, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Bộ đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên theo dõi tình hình thị trường từ các nước sản xuất, nhập khẩu gạo lớn để có thông tin cung cấp cho các bên liên quan, từ đó có định hướng trong sản xuất thời gian tới. Ngoài ra, sẽ tổ chức thêm các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với tính hình mới, tận dụng tốt các thị trường ngách với những mặt hàng gạo thơm, gạo chất lượng cao là thế mạnh của Việt Nam.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp (DN) tăng cường dự trữ lương thực, 70% sản lượng gạo để phục vụ nhu cầu trong nước, còn lại để xuất khẩu.

“Các DN phải hết sức chú ý hiện nay giá đang có xu hướng tăng, nhưng sẽ có điểm dừng. Do đó nếu tham gia đầu cơ tích trữ thì có thể sẽ là rủi ro, không chỉ cho người nông dân, cho nhà cung ứng, kể cả cho nhà xuất khẩu” - Phó Chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam cảnh báo.

Trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này trong nước lên cao bất hợp lý. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 24 về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, vùng trồng, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm.

Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. "Cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống" - Chỉ thị nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO