Bảo đảm nguồn nước

Nam Việt 21/06/2023 07:04

Trong khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thì cũng là lúc hàng nghìn hộ dân ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) phải mua thùng nhựa, cát, vỏ trấu lọc nước giếng khoan để dùng do thiếu nước sạch. Biến đổi khí hậu mang theo nắng nóng gay gắt, ít mưa, sông hồ cạn kiệt, nguồn nước ngầm giảm khiến nhiều địa phương thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.

Tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), thiếu nước sinh hoạt đã bắt đầu từ giữa tháng 5/2023 kéo dài tới nay vẫn rất gay gắt. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều người phải xin nước giếng khoan của hàng xóm để dùng cho sinh hoạt tối thiểu. Nhiều người dân ở xã Đức Thượng phải ròng dây dẫn nước từ giếng khoan đổ vào một thùng lớn, bên trong chứa cát, trấu để lọc loại kim loại. Nếu không lọc, nước sẽ chuyển màu đỏ quạch, nổi váng. Thường thì vỏ trấu cho không ai lấy nhưng nay phải mua 50.000 đồng một bao về làm vật liệu lọc nước. Cũng đã lâu rồi người dân thôn Chiền (xã Đức Thượng) mới lại thấy cảnh chiều tối có khá đông người tắm ao.

Vào hồi cuối tháng 5/2023, Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cho biết có tới 7.000 hộ dân của một số xã ở huyện Hoài Đức bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch. Nguyên nhân là nguồn nước chính từ Nhà máy nước mặt sông Đà không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân ở khu vực cuối nguồn.

Còn với hàng nghìn hộ dân ở huyện Cát Hải (Hải Phòng) vẫn phải dùng nước mưa, giếng khoan, hoặc mua nước sạch với giá 50.000 đồng/m3 (thời điểm gữa tháng 6/2023). Hoặc người dân thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) phải xuống suối gùi nước về sinh hoạt. Đáng nói là nhà nước đã đầu tư nhiều tỉ đồng để xây công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại đây. Công trình vừa vận hành thì ống nhựa vỡ, các van gỉ sắt, bể khô. Không chỉ thôn Tre, mà huyện Trà Bồng có tới 57/170 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã dừng hoạt động.

Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với con người. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới. Năm nay, Ngày Nước thế giới có chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi”, kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động, thay đổi lối sống để hướng đến khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai.

Việt Nam cũng đã có Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; nhằm giúp giải bài toán tài nguyên nước đang cạn kiệt dần, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm không để thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các vùng khó khăn về nguồn nước.

là quốc gia có nhiều sông suối, hồ nước nhưng trước việc dân số tăng nhanh, kinh tế - xã hội phát triển mạnh, đòi hỏi về nguồn nước rất lớn, cả nước mặt và nước ngầm. Trong khi nguồn nước mặt thiếu hụt do nắng nóng, khô hạn thì nguồn nước ngầm đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều địa phương, việc khai thác nước ngầm tự phát đã khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên này phải chịu tác động xấu. Để bảo vệ nguồn nước ngầm thì cùng với việc người dân sử dụng nước tiết kiệm, quan trọng và bền vững hơn chính là việc phát triển hệ thống cung cấp nước sạch ở tất cả các địa phương.

Câu chuyện thiếu nước sạch ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) và một số địa phương khác trong cả nước một lần nữa cho thấy cần thúc đẩy một quy hoạch chung về cung cấp và sử dụng tài nguyên nước. Trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi địa phương. Chính quyền địa phương (từ xã, huyện, tới tỉnh) hiểu rất rõ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, doanh nghiệp, nước cho sản xuất, chăn nuôi... nên cần chủ động kế hoạch, ưu tiên ngân sách địa phương cho việc xây dựng hệ thống cung cấp nước. Nếu vẫn thụ động, coi là chuyện năm nào cũng vậy rồi mọi chuyện cũng qua, thì tình trạng thiếu nước vẫn tiếp diễn, việc người dân phải khoan giếng, phải mua nước sạch giá cao vẫn tiếp diễn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan quản lý nhà nước, từng nhiều lần có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước ngầm. Yêu cầu các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (đến cấp xã, phường, thị trấn) các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào giếng; hạn chế khai thác nước dưới đất và có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nước dưới đất.

Tuy nhiên, điều đó chưa được thực hiện đầy đủ, cũng như việc xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch làm chưa tốt, dẫn tới tình trạng nguồn nước ngầm bị khai thác tới mức nhiều nơi bị suy thoái, ô nhiễm. Điều này cần được cảnh báo một cách nghiêm túc, trước khi quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO