Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNelD.
Bộ Y tế cho biết, nhận được công văn của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội phản ánh người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện, có xuất trình CCCD gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc trên ứng dụng VNelD, nhưng bệnh viện không giải quyết hưởng chế độ BHYT, yêu cầu người bệnh phải về mang thẻ BHYT giấy để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và thuận tiện cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chấn chỉnh các khoa, phòng liên quan, nhân viên y tế để xảy ra tình trạng nêu trên. Các cơ sở y tế quán triệt thực hiện giải quyết hưởng chế độ BHYT trong trường hợp người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT xuất trình CCCD gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc trên ứng dụng VNelD theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh kịp thời các cơ sở khám, chữa bệnh, cá nhân thuộc quyền quản lý để xảy ra tình trạng chậm gửi dữ liệu, hạn chế thấp nhất việc phải gửi đề nghị thay thế, làm ảnh hưởng đến công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của cơ quan BHXH.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ việc gửi dữ liệu điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Bộ Y tế về trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực (phần cứng, phần mềm) để thực hiện triển khai ký số file XML xác thực dữ liệu điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định. Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng chứng thư số đã được cấp của cơ quan, đơn vị để ký số, xác thực dữ liệu XML theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Được biết, quy định người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Đồng thời, từ tháng 2/2022, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp gửi tới sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành… Theo đó, thủ trưởng các đơn vị nói trên cần chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức khám, chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID.
Tuy nhiên, vẫn còn rải rác người dân phản ánh về tình trạng một số nhân viên y tế yêu cầu xuất trình thẻ BHYT giấy khi khám, chữa bệnh. Ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 3/12/2023. Nghị định 75 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 Nghị định 146 về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc CCCD.
Như vậy theo quy định mới, người dân có thể xuất trình CCCD khi khám, chữa bệnh BHYT. Điều này mang lại nhiều lợi ích, giúp người dân không phải mang nhiều giấy tờ; giảm quá trình chờ đợi trong khâu tiếp đón do CCCD có tích hợp gắn chíp, mã QR cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác.
Thực tế, việc tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng được hầu hết người dân đón nhận và đánh giá rất cao.
Anh Vũ Hồng Cường (trú tại Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Việc cải cách và đơn giản hóa thủ tục khi đến khám, chữa bệnh mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Người bệnh đến khám được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Bích Th. (46 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Vào tháng 9/2023, tôi có đưa mẹ chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Phụ sản trung ương để thăm khám và điều trị, do bà được chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, khi vào viện, chúng tôi khá bất ngờ khi CCCD và ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng đều không được nhân viên y tế chấp nhận và yêu cầu phải đưa thẻ giấy.
Đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 96 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH quản lý. Trong đó, có khoảng 87,75 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,3% tổng số người tham gia với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VNeID, đến nay, đã có hơn 15,4 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công để tích hợp lên ứng dụng VNeID. Về triển khai ứng dụng VssID - BHXH số, toàn ngành BHXH Việt Nam đã phê duyệt gần 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập và sử dụng Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và ứng dụng VssID).