Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các cấp và các ngành cần quán triệt đường lối, triển khai tổng khảo sát năng lực công nghệ sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp, làm cơ sở quan trọng để đề ra các giải pháp phù hợp, huy động các tiềm lực, khả năng của nền công nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Sáng 20/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (2003-2018).
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả tổ chức, triển khai thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp 15 năm qua; những khó khăn, hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề xuất chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp trong thời gian tới, phát huy tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều tác động ảnh hưởng, đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đổi mới phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng XHCN, các ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng thường xuyên biến động do chuyển hướng kinh doanh, sáp nhập, chia tách, giải thể, chuyển giao sở hữu.
Yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng là huy động mọi nguồn lực của đất nước trong chiến lược bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang ngày càng cao và mở rộng. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp đã khẳng định được giá trị và tính đúng đắn của Pháp lệnh Động viên công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị quan trọng này, góp phần vào việc nghiên cứu, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về chiến tranh nhân dân, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế và chính sách về phát triển công nghiệp phục vụ quốc phòng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ Quốc phòng đã tập trung phối hợp và chỉ đạo các ban, Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng nghiêm túc, chủ động, phát huy cao nhất tình hình, trách nhiệm, huy động các nguồn lực, khả năng và bước đầu đạt kết quả tốt.
Đó là, đã làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt là các chủ trương, biện pháp huy động tiềm lực dân sinh và năng lực các doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng vũ trang tích cực tham gia bảo đảm trang bị cho quân đội.
Các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ động viên công nghiệp, chú trọng chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Quốc phòng cũng đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần bổ sung vào chủ trương, đường lối, nhiệm vụ quân sự quốc phòng của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược và trang bị của quân đội, xây dựng và phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là một trong những nhiệm vụ lớn đối với nhiệm vụ quốc phòng của đất nước. Mặc dù khối lượng công việc lớn nhưng Bộ Quốc phòng đã chủ động triển khai tích cực, bước đầu đạt những kết quả tốt, làm cơ sở để Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành trong nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường quốc phòng an ninh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ động viên công nghiệp trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị định số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, đảm bảo tính đồng bộ, đổi mới, hiệu quả; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để huy động tối đa các nguồn lực công nghiệp; đánh giá chính xác, quản lý chặt chẽ tiềm lực công nghiệp, khả năng huy động các doanh nghiệp công nghiệp tham gia động viên công nghiệp, bảo đảm trang bị cho nền quốc phòng khi có chiến tranh trên từng địa phương, từng vùng, từng hướng; chú trọng bảo dưỡng, đầu tư, nâng cấp, khai thác hiệu quả các dây chuyền đã được đầu tư, hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, ổn định của sản phẩm; bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình sản xuất; nâng cao khả năng sẵn sàng động viên của các dây chuyền động viên công nghiệp khi cần thiết…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP.
Theo Phó Thủ tướng, các cấp và các ngành cần quán triệt đường lối, triển khai tổng khảo sát năng lực công nghệ sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp, làm cơ sở quan trọng để đề ra các giải pháp phù hợp, huy động các tiềm lực, khả năng của nền công nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh.
Quân đội cần làm tốt vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nghiên cứu, chủ động chuyển giao công nghệ, đào tạo, huấn luyện, cung ứng vật tư cho các doanh nghiệp dân sinh bảo dưỡng, sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí, trang bị quân sự và các sản phẩm phục vụ quốc phòng.
Bên cạnh đó, đã đầu tư, xây dựng, đưa vào khai thác có hiệu quả nhiều dây chuyền động viên công nghiệp sản xuất vũ khí, khí tài, trang bị, bảo đảm cho huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và động viên khi cần thiết.
Động viên công nghiệp là bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, góp phần thực hiện chiến lược bảo đảm trang thiết bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.