Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 khu vực Tây Thái Bình Dương về số ca tử vong do kháng kháng sinh và đứng thứ 11 thế giới về tiêu thụ kháng sinh.
Thực trạng này dẫn tới hậu quả, rất nhiều người sẽ có nguy cơ không còn thuốc chữa dù mắc các bệnh tưởng chừng đơn giản trong tương lai gần. Theo đó, tình trạng này dẫn đến đến ngày càng có nhiều bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh lao... trở nên khó điều trị hơn, thậm chí không thể điều trị được nữa.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thông tin: “Chúng tôi đã ghi nhận những bệnh nhân nhiễm nấm Candida và Aspergillus toàn thân được chỉ định thuốc nhưng đều đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các loại kháng sinh khác nhau, khiến công cuộc điều trị ngày càng trở nên thách thức, phức tạp”.
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. Bệnh nhân kháng kháng sinh nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư”.
Theo GS.TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng… Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Thực tế, thống kê của WHO tại Việt Nam cũng cho thấy, có đến 50% trường hợp kháng sinh được sử dụng không hợp lý tại bệnh viện, 88-97% nhà thuốc kê kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Ngày 20/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin, vừa tiếp nhận bệnh nhân T.P.H. (23 tuổi, ở Phú Thọ) nhập viện do ngộ độc vì uống 1 lúc 60 viên Paracetamol – gấp khoảng 30 lần so với liều thuốc thông thường ở người trưởng thành. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 10 giờ, bệnh nhân đã uống cùng lúc 60 viên paracetamol 500mg. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy gan diễn biến rất nhanh.
Tạm bỏ qua nguyên nhân người bệnh uống tới 60 viên thuốc cùng lúc, và dù paracetamol không phải là thuốc kháng sinh, trường hợp nói trên cũng phần nào cho thấy sự dễ dãi của việc mua bán thuốc ở nước ta.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam nêu quan điểm: Đặc thù tại Việt Nam, dược sĩ nhà thuốc là kênh tiếp cận các vấn đề sức khỏe đầu tiên từ bệnh nhân, đồng thời là cầu nối hữu hiệu chuyển tải các thông tin tư vấn phù hợp một cách gần gũi và nhanh chóng. Vì vậy, dược sĩ nhà thuốc đóng vai trò then chốt trong định hướng và thay đổi nhận thức giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị và sử dụng kháng sinh đúng cách. Để giảm đề kháng kháng sinh, song song việc có chiến lược sử dụng kháng sinh thích hợp và hiệu quả, công tác nâng cao nhận thức của người bệnh cũng rất quan trọng. Trong đó, mỗi dược sĩ là một chiến sĩ trong cuộc chiến giảm đề kháng kháng sinh. Sự tư vấn đúng đắn của dược sĩ khi đón tiếp bệnh nhân tại nhà thuốc giúp nâng cao tuân thủ sử dụng kháng sinh, có tác động tích cực trong bảo tồn kháng sinh”.