'Bão giá' ở các chợ truyền thống

THANH GIANG 25/02/2022 06:06

Những ngày qua giá xăng dầu liên tục tăng, vì vậy giá thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tại các chợ dân sinh bước vào làn sóng tăng giá mới. Trước tình trạng hàng hóa “té nước theo xăng” người tiêu dùng đã phải tính toán, đắn đo, cân nhắc nhiều hơn trong chi tiêu.

Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá do xăng dầu, vận chuyển tăng.

Giá tăng, sức mua giảm

Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, giá thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng đang có chiều hướng tăng cao. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP HCM, nhiều mặt hàng đã tăng dần đều theo xăng dầu. Đơn cử, nhóm mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Xà lách cuộn có giá 60.000 đồng/kg, trước đó chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, bông cải xanh - trắng cũng tăng thêm 5.000 đồng/kg, đứng giá 50.000 đồng/kg, các loại rau cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo,...) tăng hơn 3.000 đồng/kg, dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản cũng đua nhau “phi mã”. Điển hình, tôm thẻ loại lớn khoảng 15 con một kg có giá 250.000 đồng/kg, trước đây chỉ ở mức 220.000 đồng/kg; mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000 - 280.000 đồng/kg; cá thu và cá bớp cắt khúc tăng thêm 20.000 đồng/kg với giá 250.000 - 270.000 đồng/kg.

Nói về giá thực phẩm tăng cao, hầu hết tiểu thương tại các chợ dân sinh khẳng định, không muốn tăng giá bán vì cao quá sẽ không chạy hàng nhưng không tăng không được do giá vận chuyển hàng hóa đã lên cao.

“Hàng hóa cứ tăng giá là sức mua cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, không tăng thì lãi ít hoặc chấp nhận đóng cửa vì lỗ”, bà Nguyễn Thị Mai, tiểu thương chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho hay. Cũng theo bà Mai, sau khi tăng giá một số loại rau củ quả, lượng hàng bán chậm hẳn.

Chị Phạm Ánh Nguyệt - người chuyên kinh doanh thủy hải sản trên đường Nguyễn Duy Trinh, thành phố Thủ Đức cho biết: “Xăng dầu tăng giá liên tục làm cho chi phí đánh bắt và vận chuyển cũng tăng chóng mặt. Nếu lấy hàng tận gốc thì con cá này phải chịu 2 - 3 lần vận chuyển. Trước giờ tôi có mối hàng tận gốc nên giá cả không bị đội lên nhiều”.

Choáng với giá cả hàng hóa tăng, chị Nguyễn Thu Hằng (thành phố Thủ Đức) rầu rĩ nói: “Cầm 700.000 - 800.000 đồng đi chợ mà không mua được nhiều. Trước đây với mức tiền này tôi có thể mua đồ ăn cho gia đình (4 người) ăn trong vòng 3 - 4 ngày.

Giờ cũng từng đó tiền cả gia đình chỉ ăn được 2 ngày do rau, cá, thịt đều tăng giá. Thay vì mua lượng nhiều, mua món ngon tôi phải tính toán lại. Đi chợ thời “bão giá” mệt thật”.

Siêu thị liên tục giảm giá, khuyến mãi

Đề cập đến việc tăng giá này, đại diện Hội Lương thực - thực phẩm TP HCM cho hay, sắp tới doanh nghiệp trong ngành sẽ điều chỉnh mức giá sản phẩm. Xăng dầu tăng giá kéo theo hàng loạt chi phí khác bị đội lên. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải tăng giá. Đây là giải pháp không mong muốn nhưng không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho hay: “Tình trạng tăng giá hàng hóa hiện nay chỉ là cục bộ tại một số chợ truyền thống còn tại các điểm bán lẻ hiện tại hàng hóa vẫn dồi dào, giữ giá ổn định trước và sau Tết Nguyên đán 1 tháng”.

Được biết, sau Tết Nguyên đán từ 1 - 2 tháng là thấp điểm của bán lẻ, cho nên hệ thống các siêu thị vẫn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi. Điển hình, từ đầu tháng 2/2022, người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã có thể kiểm tra thông tin thuế VAT mới trên hóa đơn thể hiện mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%.

Hiện có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT.

Ngoài ra, cũng trong tháng 2/2022 hệ thống này áp dụng chương trình giảm giá đến 50% cho khoảng 2.000 sản phẩm nhu yếu do 5 nhóm hàng thiết yếu luân phiên tham gia giảm giá gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm - hóa mỹ phẩm, may mặc thời trang và dụng cụ nhà bếp - hàng gia dụng.

Tại hệ thống siêu thị Tops Market giá bán được cập nhật theo thuế VAT mới cũng được áp dụng đối với khoảng 12.000 sản phẩm.

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện Central Retail tại Việt Nam cho hay, do đã chuẩn bị nhằm bình ổn thị trường, từ trước Tết, Central Retail đã đàm phán với các nhà cung cấp và cam kết đảm bảo giá cả các mặt hàng này vẫn ổn định, không xảy ra trường hợp hụt hàng hay đội giá.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê TP HCM, tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa tiêu dùng tháng 1/2022 ước đạt 73.500 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước giảm 28% so với cùng kỳ. Cùng với nỗ lực bình ổn giá hàng hóa của ngành Công thương, các chương trình giảm giá của hệ thống bán lẻ, sức mua của thị trường được kỳ vọng sớm phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bão giá' ở các chợ truyền thống