Thời gian qua, trong khi điện ảnh phía Nam sôi động với những bộ phim ra rạp đạt doanh thu cao thì điện ảnh phía Bắc dường như khá im ắng.
Phải thay đổi cách làm
Nói về vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mà cơ chế quản lý nhà nước về điện ảnh đã thay đổi, đòi hỏi các tổ chức điện ảnh cần có sự tìm tòi, đổi mới sao cho phù hợp xu thế, bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ số.
Ông Thành nhận định, chúng ta đang đứng trước sự phát triển rất mạnh của công nghệ số và không gian mạng - tất cả những thứ trước đây mà điện ảnh tưởng đang có thế mạnh, thì hiện nay công nghệ số, không gian mạng và truyền hình đã làm tốt hơn. Vì vậy cần phải nghĩ cách để thay đổi nội dung và cách thức hoạt động cho hiệu quả.
Theo đánh giá của nhiều người, nếu như trước đây, điện ảnh phía Bắc, trong đó điện ảnh Hà Nội là đại diện của cả nước với những thành tựu như của Hãng phim truyện số 4 Thụy Khuê, Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Hãng phim truyền hình Việt Nam… thì bây giờ cơ chế đã thay đổi; nếu không kịp nắm bắt và thay đổi cho phù hợp thì việc dậm chân tại chỗ là không tránh khỏi.
NSND Hà Bắc cho rằng, thực trạng dậm chân tại chỗ của điện ảnh phía Bắc diễn ra từ lâu. Không ít nghệ sĩ tài năng nhưng cách làm việc bị quen với cơ chế cũ nên sản phẩm điện ảnh cũng vì thế mà càng ngày càng kém đi và dần mất khán giả. Có những bộ phim ra rạp mà không có khán giả. Thực tế này không chỉ với riêng phim truyện mà phim tài liệu và phim hoạt hình cũng vậy.
Dẫn chứng cho việc điện ảnh phía Bắc đang bị dậm chân tại chỗ, chậm hơn so với điện ảnh phía Nam, NSND Hà Bắc nhận định, cách làm việc của ngành điện ảnh phía Nam rất năng động, họ luôn tìm cách để phát triển, nắm bắt kịp thời xu hướng của khán giả. Chỉ riêng trong năm 2023 đã có đến 6 bộ phim đạt cột mốc trăm tỷ như Nhà bà Nữ (475 tỷ đồng), Lật mặt 6 (272 tỷ đồng), Chị chị em em 2 (121 tỷ đồng), Siêu lầy gặp siêu lừa (122 tỷ đồng), Đất Phương Nam (140 tỷ đồng), Người vợ cuối cùng (100 tỷ đồng).
Cần những đổi mới
Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023. Luật sửa đổi có nhiều điểm mới để điện ảnh Việt Nam phát triển trong cơ chế thị trường; sửa đổi theo hướng cho phép tất cả các tỉnh, thành phố, các tổ chức, các cơ quan đều được tổ chức liên hoan phim. Trước đây liên hoan phim chỉ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, nhưng hiện nay, luật mới phân cấp giao cho các địa phương đều được tổ chức liên hoan phim. Đây được cho là cơ sở đem đến diện mạo mới cho điện ảnh.
Ông Vi Kiến Thành cho biết, việc Nhà nước cấp kinh phí để làm phim như những năm trước đây sẽ không quay trở lại. Vì vậy chúng ta phải dám đương đầu với thực tế, chấp nhận sự thay đổi và tìm cách để tiếp tục hoạt động.
Theo NSND Hà Bắc, điện ảnh phía Bắc sống quá lâu trong cơ chế bao cấp. Để thay đổi được phải có những con người dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi.
Còn ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, để điện ảnh Việt Nam nói chung và phía Bắc nói riêng hình thành thị trường sôi động thì cần thu hút nhà đầu tư. Phim làm ra phải thu hút được khán giả đến xem để thu hồi được vốn tái sản xuất. Phim ảnh ngoài nội dung nghệ thuật đơn thuần thì còn là một sản phẩm hàng hóa có thể trao đổi ngoài thị trường, thậm chí sinh lời rất tốt. Các nhà làm phim ngoài thực hiện được nhiệm vụ truyền tải được những nội dung hướng con người đến những giá trị tốt đẹp thì cũng phải làm sao để bộ phim hấp dẫn, thu hút công chúng đến rạp, lúc đó sẽ thành công.
Mới đây, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức lễ phát động Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 (giải Sao Khuê). Đây được kỳ vọng là sự kiện tạo ra cú hích cho điện ảnh phía Bắc nói chung và điện ảnh Hà Nội nói riêng.