Thời gian này, dư luận tiếp tục lên tiếng về dự án nhận chìm 1 triệu m3 chất thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận). Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần dừng triển khai dự án để nghiên cứu kĩ lưỡng tác động môi trường.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đơn vị được cấp phép đổ 1 triệu m3 chất thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận).
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận- đã có những ý kiến phản biện trái chiều.
Trước vấn đề trên, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức lên tiếng. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận ý kiến nhiều chiều từ các nhà khoa học và các chuyên gia sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép nhận chìm. Quan điểm của tỉnh Bình Thuận là phải xem xét thận trọng vấn đề này, trong đó có thể thực hiện giải pháp khác an toàn hơn để tránh tác động xấu đến môi trường biển ở địa phương.
Về vụ việc trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chính thức có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời gửi Văn phòng Trung ương Đảng và một số cơ quan đơn vị khác có liên quan để theo dõi. Văn bản đó đề nghị Trung ương trước việc còn có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những ý kiến trái chiều này, thì đề nghị chỉ đạo cho các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, thẩm định, thẩm tra, xem kết quả cụ thể thế nào.
Mục đích để đảm bảo làm sao tất cả những vấn đề đã được thể hiện trong dự án cấp phép nhận chìm cũng như nội dung đã đề cập trong giấy phép nhận chìm của Bộ TNMT phản ánh đúng thực tế. Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng đề nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Tỉnh sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các bộ, ngành chức năng vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.
Về phía Bộ TNMT cũng đang chờ kết quả khảo sát độc lập của Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để có đánh giá, giải pháp tiếp theo cho vấn đề nhận chìm chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Liên quan đến vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, các bộ ngành cùng UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến dự án nhận chìm ở biển của công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành khẩn trương xem xét đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất nạo vét. Trong trường hợp cần thiết có thể mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn nước ngoài cùng tham gia.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát lại các nội dung liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án nhận chìm ở biển đã được Bộ TNMT phê duyệt, chấp thuận, báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Xung quanh vấn đề này, Đại Đoàn kết xin giới thiệu một số ý kiến:
Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà: Kiểm chứng hồ sơ của chủ dự án
Hiện tại Viện Hải dương học Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ quan chuyên môn nghiên cứu về hải dương và vấn đề các hệ sinh thái hải dương đang khẩn trương triển khai việc quan trắc, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép để nhận chìm.
Bộ sẽ kiểm chứng lại toàn bộ số liệu khảo sát, đánh giá của chủ đầu tư liên quan đến đa dạng sinh học và các vấn đề liên quan khác. Khi và chỉ khi có báo cáo kết quả của Viện Hải dương học lúc đó Bộ mới có quyết định có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?
Theo đề xuất của Bộ TNMT, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức rà soát lại các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nhận chìm. Bây giờ mọi người hiểu khi được cấp phép, doanh nghiệp có thể triển khai ngay các hoạt động nhận chìm là chưa đúng. Theo quy định của Luật Biển Việt Nam, để tiến hành hoạt động nhận chìm ở biển sau khi được cấp Giấy phép, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải được Bộ TNMT giao khu vực biển để nhận chìm.
Trong giai đoạn này, Giấy phép nhận chìm ở biển đã cấp chỉ là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, thực hiện công tác chuẩn bị cho nhận chìm...
Bà Phạm Thị Minh Hiền.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Công khai minh bạch hồ sơ cấp phép
Sự việc Bộ TNMT cấp phép đổ 1 triệu m3 bùn thải nạo vét xuống biển không chỉ gây lo lắng đối với cử tri ở Bình Thuận mà còn gây lo lắng cho bất cứ người dân nào ở cùng biển miền Trung. Vừa rồi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cũng có cử tri là cán bộ hưu trí cũng lên tiếng bức xúc về vấn đề này.
Rõ ràng những sự cố về môi trường và cách thức quản lý của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này thời gian vừa qua cho thấy công tác bảo vệ chỉ nghiêng về việc bảo vệ hồ sơ, quy trình thủ tục, bảo vệ cách làm hơn là bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ thể cần được bảo vệ. Đó cũng là điều mà người dân đã từng chứng kiến ở sự cố môi trường do Formosa gây ra trước đây.
Việc cấp phép luôn được chứng minh đầy đủ căn cứ khoa học, thủ tục chặt chẽ, quy trình đảm bảo nhưng rồi sự cố vẫn xảy ra, hậu quả rất nghiêm trọng và người dân thì phải gánh chịu, các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng không kém.
Cách trao đổi qua báo chí của những người có trách nhiệm, của đơn vị, bộ phận liên quan và cả sự lên tiếng của dư luận xã hội tạo ra những cuộc nói qua nói lại thiếu sự trọng tâm, khẳng định trách nhiệm, càng khiến cho người dân vùng biển miền Trung, độc giả quan tâm vụ việc cảm thấy rối bời.
Thế nên người dân có quyền nghi ngờ và bức xúc, cho đến khi nào biển miền Trung mới sóng yên biển lặng? Cho đến khi nào người dân mới hết lo lắng. Tôi nghĩ ngành tài nguyên môi trường cần có các buổi đối thoại trực tiếp với người dân. Cao hơn thì cần có sự tham gia đối chất trực tiếp giữa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về môi trường với những luận cứ chặt chẽ khoa học, rõ ràng.
Nếu không làm sai thì không ngại gì cả, cần thiết thì công khai minh bạch hồ sơ cấp phép, cứ giải thích tường tận vấn đề để người dân hiểu, bớt lo lắng và nếu cần thì mời sự tham gia giám sát của người dân. Đó cũng là cách để củng cố niềm tin của người dân sau nhiều sự cố liên quan đến môi trường trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Thanh Vân.
ĐBQH Lê Thanh Vân: Xem xét kỹ lưỡng, thận trọng
Vấn đề này cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Vùng biển để nhận chìm vật chất này hiện có hàng trăm loài san hô quý, thủy sinh, động vật đang sinh sống cần được bảo tồn bảo vệ.
Vấn đề cũng cần phải đặt ra là sự giám sát của các cơ quan Quốc hội như thế nào? Hoạt động xả thải các vật liệu sau khi đã kiểm định vào môi trường thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cụ thể là của Bộ TNMT thế nhưng đối với những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm thì Quốc hội nên giám sát vụ việc này. Bởi vấn đề đặt ra là liệu các chất đó có chịu các tác động của chất phóng xạ hay không? Có an toàn hay không? thì cần phải được xét nghiệm.
Ngay trong văn bản của Bộ TNMT cũng đề cập, việc xả thải trên đất liền không đủ diện tích, bị nhiễm mặn vậy thì xả xuống biển cả triệu m3 như vậy có gây nguy hại không? Tất cả cần phải có dẫn chứng, khẳng định bằng được sự an toàn thì dư luận và người dân mới thực sự an tâm.