Phải làm cho ra lẽ không chỉ là mong mỏi của những người thân trong gia đình nạn nhân mà còn là mong mỏi chung của dư luận xã hội để tìm lại công bằng cho những đứa trẻ bị bạo hành.
Câu chuyện buồn của cháu bé 3 tuổi nghi bị bạo hành với vật thể giống đinh trong hộp sọ đang khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa. Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình thời gian qua nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo.
Số vụ bạo hành trẻ em vẫn gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ và sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, khi một đứa trẻ bị bạo hành trong gia đình thì ai sẽ là người đưa tay ra cứu?
Thông tin phản ánh còn quá muộn
“Thương cho roi cho vọt”, tuy nhiên theo các chuyên gia việc lạm dụng đòn roi quá mức để dạy trẻ cần phải được “xóa sổ”. Dù vậy, bất luận thế nào cũng không thể coi bạo lực là một cách để dạy trẻ. Đòn roi và đàn áp bằng bạo lực chỉ thể hiện cho sự bất lực của cha mẹ. Thực tế hậu quả của việc đánh con khủng khiếp hơn nhiều người nghĩ. Những trận đòn roi không chỉ gây ra nỗi đau về thể xác mà còn để lại những vết hằn tâm lý sâu sắc mãi về sau.
Theo quan điểm của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại việc dạy dỗ, giáo dục trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, chà đạp…
Nhiều trường hợp cố tình ngụy biện để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật với cái cớ “dạy dỗ con”, “chuyện gia đình”.
Liên quan đến mạng lưới hỗ trợ can thiệp trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được quy định rõ trong Luật Trẻ em và trong Nghị định 56 của Chính phủ, là kênh tiếp nhận thông tin, hỗ trợ, can thiệp khi trẻ bị bạo hành trên khắp Việt Nam.
Đường dây nóng 111 của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đi vào hoạt động 24/7 từ tháng 12/2017. Qua 17 năm hoạt động, Tổng Đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã nhận được trên 4,5 triệu cuộc gọi đến, trong đó đã can thiệp, hỗ trợ hơn 2.700 trẻ em bị bạo lực.
Theo ông Đặng Hoa Nam, trong trường hợp phát hiện trẻ bị bạo hành, người dân có thể báo ngay cho công an, chính quyền địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111. Ngoài tiếp nhận thông tin, Tổng đài còn có chức năng được Luật định là tiếp tục giám sát, theo dõi, đôn đốc sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Cụ thể như vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội), sau khi tiếp nhận cuộc gọi của ông nội cháu bé, Tổng đài 111 đã liên hệ, kết nối với các cơ quan như công an, bệnh viện, chính quyền địa phương, để cùng vào cuộc, làm rõ vụ việc và hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên, ông Nam lấy làm tiếc vì những thông tin phản ánh về trường hợp cháu bé này vẫn đến Tổng đài quá muộn. Qua xác minh ban đầu, các cơ quan chức năng cho biết, bé gái 3 tuổi đã vài lần đi viện với những dấu hiệu rất bất thường, nhưng gia đình, người thân chưa thông báo đến công an, chính quyền cấp xã và Tổng đài 111 tại những thời điểm đó để có các biện pháp can thiệp sớm theo quy định pháp luật, trước khi cháu ở vào tình trạng nguy hại đến sức khỏe và tính mạng.
Theo ông Nam, vấn đề ở đây vẫn là ý thức, trách nhiệm bảo vệ trẻ em của gia đình, người thân thích, hàng xóm, cộng đồng dân cư vì những vụ việc trẻ em bị tổn hại ngay trong gia đình luôn rất khó phát hiện để can thiệp kịp thời nếu không có sự lên tiếng, tố giác của thành viên gia đình, người dân xung quanh.
Vấn đề thứ hai, theo ông Nam, là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí nguồn lực bảo vệ trẻ em. Muốn phòng ngừa xâm hại trẻ em không thể không có con người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em ngày càng mở rộng, liên kết, phối hợp hiệu quả.
Đừng thờ ơ, vô cảm
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật trẻ em năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017 quy định có đến 18 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em. Trong đó, trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình. Cha, mẹ, người giám hộ, thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.
Căn cứ theo Luật Trẻ em, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Nếu một người có hành vi vi phạm nêu trên thì có thể sẽ phạm tội “Hành hạ người khác” được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 1 đến 3 năm hoặc điều 134 Bộ luật này về tội “Cố ý gây thương tích”, mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù, nếu gây hậu quả chết người, mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 14 năm.
Trường hợp xác minh được người phạm tội thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện với mong muốn tước đoạt mạng sống của người khác thì sẽ bị xem xét xử lý về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật này, hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Tiền nhìn nhận, trẻ em vốn dĩ là những đối tượng dễ bị tổn thương, chưa hiểu được quyền của mình nên không biết cách để tự vệ, chống trả và tìm kiếm sự giúp đỡ khi mình bị bạo hành. Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định để bảo vệ quyền trẻ em nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục thời gian qua vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Tiền, sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, sợ bị trả thù, đã khiến những người xung quanh không can thiệp hoặc tố giác. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ các quyền của trẻ em nhiều nơi còn chưa tốt.
“Nhiều vụ bạo hành xảy ra trong một thời gian dài nhưng cán bộ, lãnh đạo chính quyền không hề hay biết, người dân xung quanh cũng không hề lên tiếng. Chính việc không can thiệp ngay từ đầu, tư tưởng “trong nhà đóng cửa bảo nhau” đã khiến nhiều sự việc trở nên nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát”, Luật sư Tiền nêu quan điểm.
Các vụ bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 là hồi chuông báo động, đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay lên tiếng, bảo vệ cho trẻ em một cách kịp thời và mạnh mẽ hơn nữa như thông điệp mà Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc muốn lan tỏa không khoan nhượng với bạo lực trên toàn cộng đồng.