Xã hội

Bảo hiểm Xã hội Cà Mau: Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng phục vụ

Khanh Lê 22/06/2024 09:00

Song song với nỗ lực mở rộng lưới an sinh Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Cà Mau đã không ngừng hiện đại hoá công tác quản lý gắn với tăng chất lượng phục vụ và chỉ số hài lòng của người dân đối với chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Xung quanh câu chuyện về chuyển đổi số cũng như giá trị mà chuyển số đem lại trong việc triển khai chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Cường, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau.

Thưa ông đến nay việc thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào?

Là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tỉnh thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp nên việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành. Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả thời gian qua, công tác chuyển đổi số của BHXH tỉnh đạt được một số kết quả như sau: BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với Công an tỉnh, các sở ngành có liên quan trên địa bàn để triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Tính đến ngày 31/5/2024 Quảng Ngãi, Cà Mau có số người đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư là: 1.032.145/ 1.057.166 (đạt tỷ lệ 97,6%).

cm26-6.jpg
Ông Lê Hùng Cường, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở LĐ&TBXH để triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); dịch vụ công (DVC) trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”…tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Về triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT, liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB, Sổ Sức khỏe điện tử tính đến ngày 31/5/2024, đã có tổng số 2.398.800 lượt tra cứu, trong đó có 1.990.743 lượt tra cứu thành công việc sử dụng CCCD có gắn chip để thay thế thẻ BHYT khi đi KCB tại 125/125 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, với những kết quả đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để BHXH tỉnh tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới với quyết tâm kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Việc triển khai các phần mềm quản lý điện tử đã mang lại những lợi ích cụ thể nào cho người dân và doanh nghiệp, cho cả cơ quan quản lý thưa ông?

Với quan điểm xuyên suốt “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ” BHXH tỉnh Cà Mau đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ nhằm tăng sự hài lòng, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Theo đó, các lĩnh vực hoạt động của ngành đều được số hóa và ứng dụng CNTT với trên 20 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ. Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành đang kết nối với 125 cơ sở KCB trên toàn tỉnh. Đây là công cụ hiệu quả, góp phần giúp công tác KCB BHYT công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT.

Chúng tôi đã triển khai Hệ thống giao dịch BHXH điện tử từ năm 2015 để tiếp nhận và xử lý hồ sơ giao dịch trực tuyến. Việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH, mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại khi giao dịch với cơ quan BHXH.

cm26.jpg
Nhân viên Phòng Truyền thông BHXH tỉnh hướng đăng ký cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID

Đáng chú ý, 100% thủ tục của ngành đã được cung cấp DVC trực tuyến và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. Do đó, không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được nâng cao rõ rệt…

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển chuyển đổi số của BHXH tỉnh trong thời gian tới?

Ngày 22/12/2023, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam vì sự phát triển bền vững an sinh xã hội quốc gia” giai đoạn 2023-2030 để triển khai trong toàn ngành. Căn cứ Kế hoạch của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-BHXH ngày 27/2/2024 hưởng ứng phong trào thi đua theo từng giai đoạn cụ thể:

Giai đoạn 2024 - 2025: 100% bộ phận "Một cửa" của BHXH tỉnh, huyện triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc dựa trên thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và CSDL quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; 100% công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, sử dụng thành thạo phần mềm nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp với vị trí công tác.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2024 - 2025 và hướng đến đạt được các mục tiêu sau: Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số; Hoàn thành việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp DVC trực tuyến…

Có thể thấy, từ nay đến năm 2030, các mục tiêu trong chuyển đổi số của ngành là rất cụ thể, rõ ràng, tất cả đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách với quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ". Khi các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số sẽ giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm Xã hội Cà Mau: Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng phục vụ