Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hậu Giang đã không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực nghiệp vụ, gắn với nâng cao chất lượng phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế ( BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Từ ngày sử dụng ứng dụng bảo hiểm số (VssID), bà Cao Bích Trâm, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ cảm thấy rất thuận tiện mỗi khi đi khám chữa bệnh. Theo bà Trâm việc sử dụng ứng dụng VssID thực sự rất tiện ích, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy. Bên cạnh đó, còn giúp người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin về quá trình đóng - hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của chính bản thân; thực hiện một số giao dịch về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ngay trên ứng dụng một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất mà không cần đến cơ quan BHXH.
Thống kê từ BHXH tỉnh Hậu Giang cho thấy, đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bằng BHYT. Tiện ích này chính là kết quả của việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cho biết, để công tác chuyển đổi số hiệu quả, BHXH tỉnh tập trung thực hiện tốt cải cách hành chính, phát huy tối đa nền tảng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ và quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Chủ động phối hợp với công an địa phương, đẩy nhanh tiến độ cập nhật, làm sạch, xác thực thông tin số định danh cá nhân, CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trong cơ sở dữ liệu do BHXH tỉnh Hậu Giang quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến nay, đã xác thực được 632.604 người tham gia BHXH, BHYT đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 99,59% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
“Hiện toàn tỉnh có trên 335.300 người đã cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”; 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp, với trên 3,6 triệu lượt tra cứu, trong đó có trên 3,2 triệu lượt tra cứu thành công. Điều này đã tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân trong làm các thủ tục khám chữa bệnh BHYT; không những thế còn giúp các cơ sở y tế giảm thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, giúp cho cơ quan BHXH tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân
Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh BHYT, với nền tảng công nghệ thông, chuyển đổi số, toàn hệ thống BHXH tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh vận động, khuyến khích những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị bằng tiền mặt chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần được chi trả trực tiếp vào tài khoản của người thụ hưởng, giúp cho người lao động nhận tiền trực tiếp và nhanh chóng từ cơ quan BHXH mà không mất thời gian chi qua khâu trung gian là đơn vị sử dụng lao động như trước đây. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân khi thụ hưởng các chế độ, chính sách, đảm bảo chi trả nhanh chóng thuận lợi, phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay.
Chia sẻ về lợi ích nhận lương hưu qua tài khoản, ông Phạm Ngọc Hòe, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: Nhận lương hưu qua thẻ ATM có nhiều thuận tiện. Mỗi tháng khi đến ngày có lương hưu, tôi chỉ cần mang thẻ ra cây ATM ở gần nhà để rút tiền, rất nhanh chóng và tiện lợi.
Theo BHXH tỉnh, đến nay tỷ lệ chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản ATM so với tổng số người hưởng ở khu vực đô thị như sau: Chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng chiếm 88,8%; chi BHXH một lần chiếm 95,5% và chi trợ cấp thất nghiệp chiếm 97,8%.
Với việc triển khai mạnh mẽ 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu của ngành BHXH trên môi trường số giúp cho người dân không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH cũng có thể thực hiện các thủ tục như gia hạn thẻ BHYT; đăng ký đóng BHXH tự nguyện; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - giải quyết mai táng phí, tử tuất; liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. BHXH còn phối hợp, hỗ trợ liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến. Qua đó, giúp người dân thực hiện thủ tục một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và công sức, góp phần tinh giản thủ tục hành chính.
Theo số liệu báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 40.438 dữ liệu khám sức khỏe của 12 cơ sở khám, chữa bệnh; 6.130 dữ liệu Giấy chứng sinh của 9 cơ sở khám, chữa bệnh và 28 dữ liệu Giấy báo tử của cơ sở khám, chữa bệnh.
Với những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số, BHXH tỉnh được Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang đánh giá, xếp hạng Nhì về chuyển đổi số khối ngành dọc cấp tỉnh năm 2024; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 1 tập thể.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện chuyển đổi số, Đề án 06 của BHXH tỉnh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân mà còn tăng cường hiệu quả quản lý của đơn vị. Qua đó, góp phần xây dựng BHXH tỉnh Hậu Giang ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Phát huy những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ, trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính với tổ chức, cá nhân. Vận động, khuyến khích người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản…