Bảo hiểm xã hội Hậu Giang: Nỗ lực chuyển đổi số, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân

Lan Hương 18/10/2023 19:10

Nhận thấy việc triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) có ý nghĩa rất lớn với người dân thụ hưởng thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực triển khai hiệu quả Đề án 06.

Người dân hưởng lợi

Tuổi đã cao bản thân lại có bệnh nền nên hàng tháng ông Nguyễn Văn Bé, thị trấn Một ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang thường xuyên phải đi khám chữa bệnh ( KCB). Định kỳ mỗi tháng một lần bà đến thăm khám sức khỏe và lấy thuốc. Trước đây, mỗi lần khám ông Bé phải mang thẻ BHYT giấy và giấy tờ tùy thân có ảnh. Đôi lúc quên mang theo 1 trong 2 loại giấy tờ trên sẽ không khám được và nếu làm thất lạc thẻ BHYT phải làm lại, mất thời gian. Nhưng nhờ được cán bộ BHXH hướng dẫn cài ứng dụng bảo hiểm số (VssID) trên điện thoại thông minh và có thẻ căn cước công dân ( CCCD) gắn chíp điện tử nên việc đi KCB hàng tháng của ông Bé thuận tiện hơn.

Nói về tiện ích việc tích hợp giấy tờ khi đi KCB ông Bé phấn khởi chia sẻ, mỗi lần đi khám bệnh, tôi chỉ cần mang theo thẻ CCCD đã gắn chíp điện tử hoặc mở ứng dụng VssID trên điện thoại, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng là khám bệnh được không cần phải đem theo nhiều loại giấy tờ như trước. Trong ứng dụng VssID còn có sổ khám bệnh, sau khi khám xong nhận thuốc về nhà tôi còn có thể vào để kiểm tra các thông tin như: quá trình khám bệnh, tên bệnh, loại thuốc bác sỹ kê đơn, chi phí khám bệnh…”, ông Bé phấn khởi kể.

Hiện nay, không chỉ sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy, người dân có thể sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử đi khám bệnh. Tại nhiều cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, người dân chỉ cần có thẻ CCCD gắn chíp là được khám. Do đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng hơn cho người dân khi đi KCB bằng BHYT, vừa giảm việc sai thông tin thẻ, quên hay mất thẻ.

Tiện ích này chính là kết quả của việc triển khai hiệu quả Đề án 06 tại Hậu Giang của BHXH tỉnh. Theo ông Trần Minh Sang, Phó giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang, để công tác chuyển đổi số thực hiện hiệu quả, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên ứng dụng VssID. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thực hiện việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB. Nhờ đó đến ngày10/10/2023, tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư chiếm 93,61% (tương đương 592.190 người) so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Toàn tỉnh hiện có 95/95 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp. Từ đầu năm đến nay, có trên 1 triệu lượt thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt VssID

Bên cạnh đó, việc phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe được thực hiện chặt chẽ. Cụ thể, đến ngày 19/9, hệ thống của BHXH tỉnh đã tiếp nhận 4.058 dữ liệu khám sức khỏe của 11 cơ sở KCB; 745 dữ liệu Giấy chứng sinh của 07 cơ sở KCB và 05 dữ liệu Giấy báo tử của 04 cơ sở KCB.

Tạo điều thuận lợi cho người dân thụ hưởng

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi KCB, BHXH tỉnh còn đẩy mạnh chi trả chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hình thức tuyên truyền được triển khai phong phú. Ngoài ra, BHXH tỉnh còn vận động người lao động mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Phối hợp với bưu điện, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các địa điểm chi trả, các khu dân cư, tổ dân phố vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thụ hưởng các chế độ, chính sách. Đảm bảo chi trả nhanh chóng thuận lợi, đúng đối tượng phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay.

“Hiện nay tỷ lệ chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt chiếm 56% trên tổng số người hưởng ở khu vực đô thị, đạt 101,8% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao; tỷ lệ chi BHXH một lần chiếm 86% trên tổng số người hưởng ở khu vực đô thị, đạt 143,3% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao và tỷ lệ chi trợ cấp thất nghiệp chiếm 95% trên tổng số người hưởng ở khu vực đô thị, đạt 100% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao”, Phó giám đốc Trần Minh Sang cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cho biết, công tác chuyển đổi số ở BHXH còn nhiều khó khăn như: tâm lý, thói quen của người dân muốn đến trực tiếp các cơ quan Nhà nước để làm thủ tục hành chính để được trực tiếp hướng dẫn về các giấy tờ, hồ sơ có liên quan.

"Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia là quy trình mới, người dân chưa thông thạo công nghệ thông tin nên còn lúng túng trong việc kê khai…Để khắc phục những khó khăn trên, BHXH tỉnh sẽ đẩy mạnh phương pháp truyền thông truyền thống, nhất là trên tảng mạng xã hội như: Facebook, zalo và trang fanpage của BHXH tỉnh, các huyện nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT", bà Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình rà soát, cập nhật, xác thực thông tin người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư. Thực hiện chia sẻ CSDL quốc gia về bảo hiểm với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; tiếp tục thực hiện đồng bộ CCCD/ĐDCN với thẻ BHYT còn hiệu lực để phục vụ công tác KCB BHYT; phối hợp hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe,… phục vụ Đề án 06 theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, cùng với tuyên truyền BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và nâng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền về lợi ích thiết thực của việc giải quyết TTHC mức độ 4 qua Cổng DVC của Ngành BHXH Việt Nam và Cổng DVC quốc gia bằng nhiều hình thức thiết thực nhất để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu, dễ dàng thực hiện.

Đặc biệt để tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID trong KCB BHYT của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm xã hội Hậu Giang: Nỗ lực chuyển đổi số, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO